Nhiều nước Mỹ Latinh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”
13/02/2015 09:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây nhận định nhiều nước khu vực Mỹ Latinh đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình” và cần phải tiến hành cải cách cơ cấu hướng tới nâng cao năng suất để đối phó với tình trạng trì trệ hiện tại.
Tăng trưởng kinh tế trung bình tại khu vực này trong năm 2014 chỉ đạt 1,5% và lần đầu tiên kể từ 2003 thấp hơn mức tăng trưởng trung bình (khoảng 2%) của OECD - tổ chức gồm 34 quốc gia phát triển. Dù dự báo tăng trưởng của khu vực này sẽ khôi phục lại mức 2-2,5% trong năm nay, song OECD cảnh báo mức tăng trưởng dưới 3% không phải là một sự chững lại tạm thời mà đã trở thành một xu hướng. Tổ chức này cũng hối thúc các nước Mỹ Latinh tiến hành các bước đi đổi mới mạnh mẽ để có thể thoát khỏi tình trạng này. Những cải cách cơ cấu mà OECD gợi ý cho các nước Mỹ Latinh gồm “mở rộng các không gian tài chính, áp dụng chính sách tiền tệ phản chu kỳ, cân bằng các khoản thâm hụt và đề ra chính sách dài hạn về đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ và giáo dục để đảm bảo phát triển đồng đều”. Ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD, đồng tác giả báo cáo, nhận định Mỹ Latinh cần chú trọng hơn tới chất lượng giáo dục và củng cố tầng lớp trung lưu. Năng suất lao động của Mỹ Latinh không được cải thiện nhiều trong những năm tăng trưởng cao ở thập kỷ trước. Hiện tại mức đầu tư vào giáo dục tại Mỹ Latinh tương đương 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần bằng mức 5,6% của các nước OECD, nhưng điều này chưa được thể hiện trong các chỉ số kinh tế cả định lượng lẫn định chất.
Vòng vèo đường đi quần áo "hàng thùng" ở Nigeria
Đa số người dân các nước phương Tây có nhu cầu cao về quần áo mới, nên thải ra một lượng lớn đồ cũ. TS Andrew Brooks, giảng viên môn địa lý phát triển tại Đại học King's ở Anh vừa xuất bản cuốn sách "Clothing Poverty" (Đói nghèo quần áo), nói rằng, nhiều người tặng quần áo cũ không biết rằng, phần lớn lượng quần áo họ chuyển cho các tổ chức từ thiện sẽ được bán ra nước ngoài. Chương trình hành động vì rác thải và tài nguyên (WRAP) ước tính, hơn 70% tổng lượng quần áo đã qua sử dụng tại Anh được xuất ra nước ngoài để tham gia thị trường "hàng thùng" toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, Anh là nước xuất khẩu đồ cũ lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Anh xuất hơn 351.000 tấn quần áo cũ ra nước ngoài năm 2013. Ba Lan, Ghana, Pakistan và Ukraine là những nước nhập nhiều đồ cũ nhất. Đối tác mua đồ cũ lớn nhất của Mỹ là Canada, Chile, Guatemala và Ấn Độ. Hành trình quốc tế của quần áo cũ bắt đầu khi các quỹ từ thiện bán đi những quần áo mà họ không thể bán lẻ tại hơn 10.000 cửa hàng từ thiện tại Anh. Hiệp hội Bán lẻ từ thiện Anh nói rằng, 90% quần áo được người dân mang tặng đều được bán tại các cửa hàng. Nhưng theo cuốn sách của TS Brooks, chỉ có 10-30% quần áo từ thiện được bán tại nước này. Tỷ lệ ở Mỹ và Canada cũng tương tự.
Quần áo ế được bán lại cho các thương nhân để họ phân loại và xuất khẩu, biến chúng từ quần áo từ thiện thành mặt hàng mua bán. Quần áo cũ đạt tiêu chuẩn của thương lái được đóng kiện và bán cho khách quen ở Đông Âu và châu Phi. Hầu hết quần áo từ thiện được quyên góp ở Anh, cùng với hàng ngàn tấn từ Tây Âu và Bắc Mỹ được bán sang các nước đang phát triển. Dòng quần áo cũ từ phương Tây, cùng với lượng quần áo mới giá rẻ từ Đông Á, đang gây hại cho nền công nghiệp dệt may của nhiều nước, đặc biệt ở châu Phi, nơi tiêu thụ 1/3 lượng quần áo cũ toàn cầu. Tại Uganda, đồ đã qua sử dụng chiếm tới 81% tổng lượng quần áo được bán ra.
Đối với các quỹ từ thiện, bán quần áo cũ mà họ không tiêu thụ được mang lại nguồn thu nhập chính. Để tránh phụ thuộc vào trung gian, một số tổ chức như Oxfam và Salvation Army tự thành lập doanh nghiệp tái chế. Ông Ian Falkingham, cựu quản lý cửa hàng khu vực của Oxfam, cho biết, trong số 11.000 tấn quần áo được tặng cho Oxfam mỗi năm, chỉ có 3.000 tấn (27%) bán được. Trong 8.000 tấn còn lại, 1.000 tấn bị loại bỏ và 5.600 tấn được đưa sang Đông Âu, Đông và Tây Phi.
Theo TTXVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT