Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Sửa đổi những khiếm khuyết trong trụ cột an sinh

11/02/2015 08:34 AM


Với 9 chương và 125 điều, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thể chế hóa những quan điểm của Đảng về bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách trong trụ cột an sinh của đất nước.

Mở rộng đối tượng tham gia

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), so với Luật BHXH cũ, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn đủ từ 1 đến dưới 3 tháng. Với nhóm đối tượng này, bắt đầu từ ngày 1-1-2018 sẽ được chính thức tham gia đóng BHXH. Nhóm đối tượng thứ hai là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn bắt đầu tham gia từ ngày 1-1-2016. Bà Nga cho hay, như vậy từ năm 2016 sẽ có khoảng 230.000 cán bộ chuyên trách cấp xã được tham gia vào hệ thống BHXH. Đối tượng thứ ba là người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cũng sẽ tham gia đóng BHXH bắt đầu từ ngày 1-1-2018.

NLD 110215.jpg

Hạ mức sàn thu nhập sẽ mở rộng được đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực nông thôn và miền núi. (Trong ảnh: Người dân huyện miền núi Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu làm mộc gia dụng). Ảnh: Trần Minh

Với những quy định của Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng được mở rộng hơn. Theo đó, nhóm đối tượng này sẽ được mở rộng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng, người 40 tuổi hay 50 tuổi đều có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng sớm thì hưởng sớm, đóng muộn hưởng muộn. Bên cạnh đó, để thu hút được đối tượng là người nông dân tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH mới cũng quy định hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng. Nếu như Luật BHXH hiện hành quy định mức sàn thu nhập bằng mức lương cơ sở thì Luật BHXH năm 2014 đã hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng xuống còn là mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các hình thức đóng cũng đa dạng hơn. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm ở cả tương lai và trong quá khứ; mức đóng một lần cho tương lai có thể thấp hơn so với đóng hằng tháng. Với đối tượng này, Nhà nước sẽ có hỗ trợ tiền đóng hằng tháng tùy theo từng thời kỳ và điều kiện ngân sách.

Bảo đảm bình đẳng trong nguyên tắc đóng-hưởng

Một trong những điểm mới của Luật BHXH năm 2014 đó là với những trường hợp thai sản mà chỉ có cha tham gia BHXH thì cũng được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con. Bà Nga lý giải quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ được sinh ra.

Vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là chế độ hưu trí. Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH, tiến tới người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm với nữ và 35 năm với nam thì được hưởng lương hưu tối đa 75%. Với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi quy định thì sẽ giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu lên 2% (quy định hiện hành là 1%) cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Bà Trần Thị Thúy Nga cho hay, quy định như trên nhằm tránh tình trạng người lao động muốn nghỉ sớm. Các tổ chức quốc tế khuyến cáo giảm trừ từ 5% đến 6% nhưng ở nước ta cần giảm theo lộ trình.

Đối với những trường hợp giải quyết BHXH một lần, Luật BHXH 2014 cũng quy định theo hướng thắt chặt, chỉ giải quyết với những người lao động đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài định cư hợp pháp. Với những lao động còn tuổi lao động có thể chuyển sang hình thức tham gia BHXH tự nguyện đến khi đạt đủ số năm đóng BHXH để nhận lương hưu. Điều này thể hiện tính ưu việt và nhân văn của Luật BHXH mới bởi bảo đảm người lao động khi về già sẽ có lương hưu để duy trì chất lượng cuộc sống. Riêng với LLVT vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Để bảo đảm bình đẳng cho người lao động ở các khu vực trong và ngoài Nhà nước, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với khu vực Nhà nước theo hướng có lộ trình, tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, nhóm kéo dài sẽ được tính từ khi luật có hiệu lực. Cụ thể, đối với người bắt đầu tham gia BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn tính bình quân như Luật BHXH hiện hành. Với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2019 thì lương hưu được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu và người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi sẽ tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc.

Việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH với những người tham gia BHXH từ trước ngày luật có hiệu lực vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Với những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt thuộc khu vực trong hay ngoài Nhà nước. Luật BHXH 2014 cũng quy định lộ trình đóng BHXH theo toàn bộ tiền lương quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo MINH MẠNH (Báo QĐND)