Công cuộc chiêu sinh vất vả của các trường nghề

18/01/2015 08:48 AM


Hỗ trợ học phí, miễn phí chỗ ở trong ký túc xá, giáo viên được giao chỉ tiêu đến tận nhà vận động người dân cho con em đến trường học... là những cách để nhiều trường nghề thu hút học sinh, tránh khỏi nguy cơ đóng cửa.

Trước thực tế năm 2013 chỉ tuyển được 220 học sinh trong tổng chỉ tiêu là 600, ông Nguyễn Hữu Hằng, Phó hiệu trưởng Cao đẳng nghề Việt Đức, đóng tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, lãnh đạo trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền như phát tờ rơi tại các đợt thi đại học, cao đẳng, dán băng rôn, thông báo tuyển sinh qua báo đài: "Hai năm qua, 132 cán bộ giáo viên của trường được giao nhiệm vụ mỗi người phải vận động cho được 2 học sinh tham gia tuyển sinh tại trường. Cán bộ giáo viên phát huy hết các mối quan hệ thân quen, tới tận gia đình ở các vùng quê để vận động", ông Hằng nói và cho biết với cách làm này trường đã đạt được kết quả khả quan khi năm 2014 tuyển sinh đủ định mức được giao là hơn 600.

Ngoài các kênh tư vấn tuyển sinh, phát tờ rơi, đăng tin trên báo đài, Cao đẳng nghề kinh tế kỹ thuật số 1 có địa chỉ tại Nghệ An còn tổ chức nhiều đợt về các khối lớp của trường THPT trên địa bàn để tư vấn việc làm. Phó hiệu trưởng Trần Ngọc Quang cho biết, 50 cán bộ giáo viên của trường mỗi người phải chịu trách nhiệm vận động được 3 em tới trường tuyển sinh. Cũng nhằm thu hút học sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, Cao đẳng nghề Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại áp dụng chính sách hỗ trợ học phí, miễn phí chỗ ở cho tất cả người theo học trên địa bàn. Lãnh đạo trường đang dự định đẩy mạnh tuyển sinh sang các địa phương lân cận như Quảng Bình, Nghệ An. "Tiếp đến chúng tôi sẽ thuê chuyên gia nước ngoài đến dạy để nâng cao chất lượng ngoại ngữ, đồng thời khảo sát nhu cầu các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng nhằm đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc", ông Nguyễn Bá Tài, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin.

Trong 8 trường nghề do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng quản lý, duy nhất có Cao đẳng nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Bộ vẫn cầm cự được, tuyển được 2/3 số học sinh theo chỉ tiêu. Hiệu trưởng Phạm Văn Trung cho rằng đào tạo nghề muốn thành công phải bắt nguồn từ bài toán năng suất. Vì thế trường ông thiết kế chương trình đào tạo riêng: 70% thực hành và 30% lý thuyết. Học viên của trường mỗi năm đi thực tập 3 tháng tại doanh nghiệp, được trả lương gần như người lao động với mức 100.000-150.000 đồng một ngày. "Điều này sẽ giúp học viên làm quen với công việc thực tế, rèn kỹ năng và kỷ luật, quen làm việc theo nhóm, đồng thời có tiền đóng tiền học phí", ông Trung nói.

Xót ruột trước ngôi trường được thành lập từ năm 2002 có nguy cơ ngưng hoạt động vì hiện chỉ 3 trên tổng số 19 phòng học được sử dụng, còn lại bỏ trống vì không có học sinh, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) Nguyễn Minh Đức cho biết, đang đề xuất phương án cho học sinh các trường phổ thông sang học nghề miễn phí một buổi ở trung tâm, đồng thời liên kết với một số trường nghề để tăng chất lượng. "Cho học sinh phổ thông vào học nghề chung với các em ở trung tâm cũng là một phương án khả thi. Khi các em khối phổ thông tốt nghiệp, nếu không đậu đại học, cao đẳng thì cũng không phải đi học nghề nữa" - ông Đức nói - "Để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ (hiện cả nước mới đạt hơn 18%), để các trường nghề sống được thì không chỉ bản thân các trường nỗ lực mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, cần phân luồng học sinh, siết chặt tuyển sinh ĐH, CĐ, tránh tình trạng tuyển dễ dãi như hiện nay".

Trong khi hàng loạt trường nghề hoạt động cầm chừng thì Trung cấp Dược Hà Nội vẫn thu hút được 2.000 học viên/năm, mặc dù đóng trên địa bàn Hà Nội - nơi có hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng. Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường cho biết, nhận thấy yêu cầu của thực tế cần tính chuyên môn sâu, thay vì đào tạo nhiều mã ngành cùng lúc, Trung cấp Dược Hà Nội chỉ tập trung đào tạo ngành Dược sĩ trung cấp: "Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà trường với hầu hết cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Định hướng đó giúp trường có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm chuyên ngành, hệ thống cơ sở thực hành, thực tập ngoài trường và đội ngũ giáo viên có chất lượng cao. Với chủ trương đào tạo tay nghề chứ không phải lý thuyết hàn lâm, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo hướng chú trọng kỹ năng hành nghề. Các giáo viên giảng dạy cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm nghề phong phú, ưu tiên tuyển dụng hoặc mời các cán bộ y tế có tay nghề để cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề mới nhất, thực tế nhất. Việc tổ chức học tập ngoài trường cho học sinh cũng được Trung cấp Dược Hà Nội chú trọng. Bằng những việc làm trên, tỷ lệ học sinh của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm khá cao. Nhiều em khẳng định được năng lực của mình ở các vị trí quản lý. Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cũng rất coi trọng hoạt động kết nối doanh nghiệp để xúc tiến tìm việc làm cho học sinh".Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia cũng là địa chỉ thu hút học viên với 700 người học ở cả hai miền mỗi năm. Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc nhà trường cho biết, chương trình đào tạo của trường với 4 học kỳ về thiết kế đồ họa, thiết kế website, làm phim - kỹ xảo và công nghệ 3D trong 2 năm càng lúc càng chứng minh tính tiên phong và phù hợp với xu hướng thị trường. Bằng chứng là trước đây nghề thiết kế khá lạ lẫm và hiếm trường đào tạo, nhưng bây giờ hầu như chẳng công ty nào tồn tại được nếu không có thiết kế. "Nhiều trường đại học nắm bắt nhu cầu thị trường đã mở ngành đào tạo đa phương tiện, nhưng chỉ dừng ở thiết kế đồ họa. Trong khi đó từ suốt 10 năm qua, Arena Multimedia đã đào tạo toàn diện cả kỹ năng: thiết kế website, làm phim-kỹ xảo và công nghệ 3D. Học viên Arena với quan điểm đào tạo nghề, được học và phải thực hiện các công việc cụ thể như: thiết kế một poster, card, làm được clip 3D... Do đó, kết thúc 4 học kỳ, họ có thể làm được tất cả công việc về Multimedia mà thị trường yêu cầu" - ông Dũng nói - "40% học viên của trường là sinh viên các đại học khác, 40% là học sinh cấp 3 đi lên và 20% là người đã đi làm 1-3 năm. 70-80% học viên của trường này sau khi tốt nghiệp đã có việc làm. Một số em còn trở thành nhân sự thiết kế đồ họa cho những công ty lớn như LG Electronics, Đài truyền hình Việt Nam, doanh nghiệp của Mỹ, Đức...".

Theo VNE