Xuất khẩu lao động không chạy theo số lượng
15/01/2015 06:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2014 mặc dù là năm gặp nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu về giảm nghèo, xuất khẩu lao động đều được ngành LĐTB&XH triển khai có hiệu quả. Bước sang năm 2015 nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thời cơ thì Việt Nam cũng gặp phải rất nhiều thách thức, nhất là trong lĩnh vực lao động. Và bài toán đặt ra là làm thế nào để tăng năng suất lao động để người lao động Việt Nam không bị thua trên sân nhà.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, năm 2014, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo toàn ngành chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2014 đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra: Cụ thể, chỉ tiêu tạo việc làm đạt kế hoạch, khoảng 1.600 nghìn lao động được tạo việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt 120,68% so với kế hoạch (105.000/90.000). Mặc dù còn khó khăn, song lộ trình tăng lương tối thiểu vẫn được thực hiện theo lộ trình đối với khu vực sản xuất, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động, tạo động lực để sản xuất phát triển; Triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với Cách mạng. Theo đó, đã mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng cho một số đối tượng, tổng kinh phí tăng từ 29.000 tỷ đồng năm 2013 lên 32.000 tỷ đồng năm 2014; đã có 35.000 Mẹ Việt Nam anh hùng (MVNAH) được phong tặng, truy tặng trong năm 2014, đưa tổng số MVNAH đã được phong tặng, truy tặng trong cả nước lên trên 65.000 người; phối hợp với MTTQ Việt Nam tổ chức rà soát việc thực hiện chính sách với người có công…
Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ trên đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 5,8 - 6%, các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014). Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 5,8 - 6%, các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014). Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ –TTg, ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”, sau gần 5 năm thực hiện đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia, trong đó trên 10.000 lao động đã được đi làm việc tại các thị trường như Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ảrập Xêút, Đài Loan… Nhìn chung, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như số lượng lao động đưa đi đạt thấp so với mục tiêu đề ra, người lao động còn thiếu trình độ, kỹ năng, chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không cao… Việc cung cấp thông tin về thị trường XKLĐ tới người dân còn hạn chế, thủ tục cho vay vốn chưa được thuận lợi. Bên cạnh đó, một số DN tuyển dụng lao động chưa làm hết vai trò, trách nhiệm đã cam kết làm mất lòng tin trong nhân dân. Trước tình hình đó, trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Bộ LĐTB&XH đã có nhiều giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh, trong đó có việc lựa chọn kỹ hơn và công khai tên các DN được phép đưa người đi XKLĐ, đồng thời chú trọng việc đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 71, rà soát lại chính sách cũng như các phương thức triển khai theo hướng không chạy theo số lượng mà tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn để người lao động các huyện nghèo có thể tiếp cận được những thị trường có thu nhập cao, nghiên cứu ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát hoạt động của Đề án 71 làm cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả; tổng kết và phổ biến rộng các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý, DN và cho người lao động để dễ triển khai thực hiện, tăng mức hỗ trợ kinh phí và mở rộng đối tượng cận nghèo, hoặc đối tượng vừa thoát nghèo để tăng phạm vi tuyển dụng; mở rộng số DN tham gia, đồng thời phân cấp cho các địa phương thực hiện để thuận lợi trong quá trình triển khai, theo dõi, tổng hợp báo cáo.
Năng suất lao động là một chỉ tiêu phản ánh năng lực, kết quả sản xuất của một quốc gia. Năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản lý... Việt Nam xếp thứ 7/10 nước ASEAN về năng suất lao động. Năng suất lao động thấp do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam thấp, hầu hết DN Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, đặc biệt trong các DN nhỏ và vừa, tỷ lệ công việc thủ công, giản đơn còn lớn;
Thứ hai, việc làm vẫn tập trung ở nhóm ngành có năng suất thấp, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao (chiếm tới 47 %);
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đa số lao động trong nông nghiệp chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp. Tổng lao động đã qua đào tạo tăng nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 18,25%;
Thứ tư, trình độ quản lý chưa cao, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Hiệu quả quản lý đồng thời ở tầm vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp) ở nước ta còn thấp, cơ cấu kinh tế, thủ tục hành chính kém hiệu quả cũng dẫn đến năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng năng suất lao động xã hội như nói ở trên phản ánh năng lực sản xuất của một quốc gia, không phản ánh năng lực cá nhân.
Do vậy, nếu nói rằng một người lao động Singapore tạo ra của cải, giá trị bằng 15 người lao động Việt Nam là không có cơ sở, vì sự chênh lệch này còn do công nghệ sử dụng và hiệu quả của quản lý. Để năng suất lao động tăng phải bằng nhiều giải pháp như đổi mới công nghệ, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống xã hội và phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo trách nhiệm quản lý được Chính phủ phân công, Bộ LĐTB&XH đã tập trung một số giải pháp chủ yếu như: Đã trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13) và xây dựng các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6-6-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đến nay, hầu hết các địa phương đã lập kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23-5-2014 về việc phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 Phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia và phù hợp với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới; Lựa chọn ra các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương để tập trung đầu tư đồng bộ theo nghề; Phát triển hệ thống mạng lưới phù hợp với từng vùng, miền, địa phương để cung cấp nhân lực có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Mặc dù còn khó khăn, song lộ trình tăng lương tối thiểu vẫn được thực hiện theo lộ trình đối với khu vực sản xuất, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động, tạo động lực để sản xuất phát triển. Trong kinh tế thị trường, tiền lương và năng suất lao động luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, thực chất là mối quan hệ giữa giá trị làm ra (năng suất lao động) và giá trị hưởng thụ (tiền lương). Trong điều kiện năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, nguồn thu nhập quốc dân hạn chế là một trong những thách thức lớn đối với cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho các Bộ ngành xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 trình Trung ương vào thời điểm thích hợp.
Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động như thúc đẩy thông tin thị trường lao động, đặc biệt thông tin về tiền lương, năng suất lao động của ngành, DN để hai bên có thông tin thương lượng, thỏa thuận tiền lương; nâng cao năng lực của các bên trong thương lượng về tiền lương, xây dựng quy chế trả lương gắn với kết quả, hiệu quả của từng ngành, từng DN và cá nhân người lao động; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, Ủy ban quan hệ lao động để thực hiện tốt chức năng khuyến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm và các giải pháp thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động; Hình thành Ủy ban năng suất lao động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của Ủy ban với Hội đồng Tiền lương quốc gia để khuyến nghị với Chính phủ có chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động.
Theo ĐCSVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT