Nghề giúp việc gia đình: Thị trường đã hình thành?

05/01/2015 01:55 AM


Trước nhu cầu tìm người giúp việc không ngừng tăng lên hiện nay, thị trường lao động giúp việc đã hình thành, nhưng không dễ để tìm được một người giúp việc ưng ý và trên thực tế người giúp việc cũng đối mặt với nhiều rủi ro khi hành nghề.

Cung - cầu đều sôi động

Trong cuộc sống hiện đại, cùng với sự bình quyền, phụ nữ cũng như nam giới ngày càng phải đảm nhận nhiều hơn các công việc xã hội dẫn đến quỹ thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp. Ở nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, việc nội trợ, chăm sóc trẻ nhỏ, người già, người ốm nhiều khi trở nên khó khăn và quá sức với các thành viên trong gia đình, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động ngoài xã hội. Chị Đinh Lan Anh, sống tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Trước kia, tôi chưa nghĩ bao giờ nghĩ đến việc cần thuê một ai đó về giúp mình thực hiện các công việc gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi sau sinh đứa nhỏ thứ hai, rồi được cơ quan cử đi học khiến tôi ngập trong công việc. Chồng tôi cũng bận, ông bà hai bên đều già yếu không thể giúp nhiều, nên chỉ một tuần vừa ngày đi làm, tối đi học lại phải chăm sóc con nhỏ, nấu nướng, quét dọn…khiến tôi quá mệt mỏi và kiệt sức. Vậy là tôi quyết định thay đổi suy nghĩ và tìm một người giúp việc để san sẻ công viêc nhà với mình”.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc, ở phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, lại đang rất cần người giúp việc để chăm sóc bố mẹ già tại nhà: “Tuy ở với vợ chồng tôi, nhưng chúng tôi đi làm suốt ngày, trước kia các việc nhà hầu như phải nhờ đến hai cụ. Tuy nhiên, gần đây cụ ông sức khỏe yếu, cụ bà phải vừa lo việc nhà vừa phải chăm sóc cụ ông rất vất vả, vậy nên tôi muốn tìm người giúp việc có kỹ năng chăm sóc người già để phụ giúp”. Trên thực tế, những người có nhu cầu cần người giúp việc để san sẻ, phụ giúp các công việc nhà như anh Ngọc, chị Lan Anh tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay không hề nhỏ. Chính từ nhu cầu này mà số lượng người giúp việc không ngừng tăng lên và giúp việc gia đình thực sự đã trở thành một nghề trong thị trường lao động với sự sôi động ở cả cung và cầu. Theo Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số lượng người giúp việc sẽ tăng từ 157 nghìn người năm 2008 lên 247 nghìn người năm 2015.

Đôi khi cung, cầu lệch nhau

Hiện tại với số lượng người giúp việc khá đông đảo trên thị trường lao động, các gia đình có nhu cầu không quá khó khăn để được một người giúp việc. Thị trường lao động giúp việc cũng dần hình thành, khi xuất hiện một loạt trung tâm hay công ty chuyên môi giới, cung cấp người giúp việc. Tuy nhiên đối với nhiều gia đình chuyện tìm được một người giúp việc ưng ý không phải đơn giản. Khi nhắc đến chuyện người giúp việc, chị Nguyễn Thị Thúy, ở phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn còn thấy mệt mỏi vì "chỉ gần 1 năm mà phải thay 4 người giúp việc”: “Tôi không muốn thay đổi người giúp việc liên tục nhưng quả thật những người đến đều không được ưng ý. Người thì quá chậm chạp, lại mắc tính hay quên hướng dẫn mãi cũng không sử dụng thành thạo các đồ dùng điện tử, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng… Người thì quen lối sống ở nông thôn, sống dễ dãi, xuề xòa, ứng xử tùy tiện, thiếu tính chuyên nghiệp, trông trẻ con mà cứ thấp thỏm, nóng lòng muốn về nhà giải quyết chuyện gia đình, xin nghỉ 2 ngày mà nghỉ gần một tuần. Nói tóm lại lý do cho nghỉ việc thì nhiều, nhưng chủ yếu là do họ “chưa thạo việc và quá tùy tiện”.

Nhiều gia đình khi có nhu cầu tìm người giúp việc thường ưu tiên cách lựa chọn đối tượng là họ hàng hay những người quen thân hoặc thông qua sự giới thiệu của các mối quan hệ tin cậy, nếu không được thì mới tìm đến các trung tâm và công ty chuyên môi giới người giúp việc. Và tất nhiên khi phải nhờ đến các trung tâm và công ty môi giới thì mức độ rủi ro sẽ tăng lên và việc có lựa được người giúp việc ưng ý hay không là rất “hên xui”, điển hình như trường hợp của chị Thúy phải thay đến người giúp việc thứ tư thì mới tạm hài lòng. Trên thực tế, nhiều gia đình ở thành phố có nhu cầu thuê người giúp việc, nhưng tỉ lệ gia đình có người làm ổn định không cao và sự đổ vỡ trong quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc không chỉ bắt nguồn từ lỗi của người giúp việc. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế thì người giúp việc phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa gồm 20,2% bị mắng chửi; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục; 2,4% bị đánh đập, tát, đẩy ngã; 1,8% bị giữ lương; 2% không được cho về thăm nhà… Tuy nhiên, nhiều người giúp việc cho rằng điều đáng sợ nhất của họ lại đến từ chính thái độ khinh miệt, coi thường của chủ nhà và xã hội đối với công việc mà họ mà họ đang làm. Bà Nguyễn Thị Mừng, quê Hải Phòng, có tròn 10 năm làm nghề giúp việc gia đình cho biết: “Chúng tôi không ngại vất vả vì nghề này vất vả sao bằng làm nông nghiệp ở quê nhưng chúng tôi luôn sợ chủ nhà coi mình như “người ăn kẻ ở trong nhà” và có chút chạnh lòng khi nghe người đời gọi mình là “osin”.

Luật hóa và hướng tới đào tạo nghề

Bộ luật Lao động năm 1994, dù có đề cập đến lao động giúp việc nhưng còn rất chung chung, không có hướng dẫn cụ thể và chế tài đi kèm, tuy nhiên đến Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, lần đầu tiên giúp việc gia đình được công nhận là một nghề và được luật hóa. Trong năm 2014, các quy định về lao động giúp việc cũng ngày càng cụ thể hơn với Nghị định số 27 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, và Thông tư số 19 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27. Các quy định của các văn bản pháp luật này đã nâng cao vị thế của lao động giúp việc trên thị trường lao động và làm nhiều người trong xã hội có cái nhìn khác về những người hành nghề giúp việc. Theo đó, người giúp việc gia đình ngoài việc được ký hợp đồng lao động, được đóng BHYT, bảo hiểm xã hội, được học văn hóa, học nghề thì trong Nghị định 27 và Thông tư 19 đã quy định rõ mức lương, thời gian làm việc, điều kiện bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động quyền lợi và trách nhiệm của người giúp việc khi xảy ra tranh chấp với chủ sử dụng lao động…

Cụ thể, mức lương của người giúp việc (tính cả chi phí ăn, ở khi sống cùng chủ hộ) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy thời giờ làm việc, nghỉ ngơi do người lao động thỏa thuận với chủ hộ nhưng thời gian nghỉ ngơi ít nhất là 8 giờ trong ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục. Mỗi tuần người giúp việc được nghỉ một ngày, một năm được nghỉ 12 ngày mà vẫn được hưởng nguyên lương nếu có đủ 12 tháng làm việc. Nếu làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo giờ làm việc; làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc; làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo ngày làm việc. Khi lao động giúp việc gặp tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động phải đồng thanh toán chi phí điều trị và vẫn phải trả đủ lương theo hợp đồng cho người lao động trong thời gian điều trị. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương…

Khó áp dụng ngay theo luật

Không thể phủ nhận, các quy định của pháp luật trong thời gian gần đây có ý nghĩa quan trọng giúp lao động giúp việc cải thiện điều kiện, chế độ làm việc, đồng thời bảo vệ quyền của họ và cả người sử dụng lao động. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số cán bộ phụ trách mảng lao động thương binh và xã hội tại các phường trên địa bàn Hà Nội thì mới biết không dễ để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Đơn giản nhất như quy định, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải gửi thông báo cho chính quyền xã, phường trong vòng 10 ngày sau khi ký hợp đồng với người lao động cũng chưa thực hiện nghiêm túc. Dù Thông tư số 19 đã chính thức có hiệu lực được hơn 2 tháng nay nhưng khá hiếm chủ hộ đến đăng ký tại phường, mặc dù theo thống kê trên địa bàn không ít gia đình đang sử dụng lao động giúp việc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chẳng hạn như số gia đình có sử dụng lao động giúp việc trước khi Nghị định 27 và Thông tư 19 ra đời còn khá đông. Vì vậy, mối quan hệ lao động chủ nhà và người giúp việc đã được hình thành ổn định bằng các thỏa thuận miệng trước đó.

Và trên thực tế, qua một thời gian làm việc cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều thấy hạnh phúc với những giao kèo miệng trước đó nên họ thấy chẳng cần thiết phải ký hợp đồng cho thêm phức tạp. Mặt khác, do thị trường lao động giúp việc chưa hoàn chỉnh, nên nhiều gia đình chưa tin cậy vào các công ty và trung tâm môi giới nên tự mình tìm người giúp việc từ những nguồn quen biết. Vậy nên, mối quan hệ giữa chủ hộ với người giúp việc khá thân thiết và tin cậy. Người sử dụng dụng lao động thấy không cần thiết phải ký hợp đồng còn người lao động dù biết có quy định này nhưng vì mối quan hệ với chủ nhà cũng không đề xuất, và cũng bởi trên thực tế họ cho rằng không ký hợp đồng thì quyền lợi của họ cũng được bảo đảm. Trên thực tế, lý do việc khó áp dụng các quy định của pháp luật đối với người giúp việc vào cuộc sống một phần đến từ chính đối tượng được được luật bảo vệ. Lực lượng người giúp việc ở Việt Nam khá đông đảo nhưng chất lượng thì khá hạn chế. Lao động giúp việc chủ yếu là nữ, xuất thân từ nông thôn, hầu hết có trình độ học vấn chỉ hết cấp 2 và quan trọng nhất là gần như họ chưa được đào tạo chút gì về kỹ năng nghề nghiệp mà mình đang làm.

Theo nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam” của Tổ chức Lao động Quốc tế, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2011 cho thấy, chỉ có 16/600 (2,8%) người đã được đào tạo về giúp việc gia đình và phần lớn chỉ dành cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Không được đào tạo nghề, người giúp việc không những không có kỹ năng chuẩn về nghề nghiệp, mà còn không có được ý thức đầy đủ về giá trị của loại hình lao động mà mình đang làm. Vậy nên, dù có được pháp luật bảo vệ thì người giúp việc gia đình vẫn luôn trong thế yếu, không có đủ năng lực và sự tự tin bảo vệ quyền lợi của mình trong các mối quan hệ lao động. Hiện nay, trong quy trình tuyển dụng tại một số công ty môi giới người giúp việc tại Hà Nội, có dành khoảng 1 – 2 tuần đào tạo kỹ năng làm việc cho người giúp việc. Tuy nhiên, mỗi công ty khác nhau lại có giáo trình, cách thức đào tạo khác nhau và chất lượng thì thật khó để đánh giá.  Thiết nghĩ, nếu đã coi lao động giúp việc là một nghề chính thức của quốc gia, thì cần nhanh chóng nghiên cứu và hình thành khung chương trình đào tạo thống nhất, để đưa vào giảng dạy tại các trường nghề hoặc các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của các tổ chức chính trị xã hội phù hợp, chẳng hạn như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các cấp. Nếu làm được vậy thì không những lao động giúp việc được hưởng lợi mà quản lý nhà nước trên lĩnh vực này cũng dễ dàng hơn.

Theo Báo Công lý