Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam

05/01/2015 08:25 AM


Toàn cảnh hội thảo "Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế". Ngày 26/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nhằm tìm giải pháp đổi mới công tác đào tạo, gắn với việc nâng cao chất lượng và tái cấu trúc nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, Hội thảo khuyến nghị với các cơ quan chức năng tham mưu với Đảng và Nhà nước tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đại hội XI của Đảng đã xác định một trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 là "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học công nghệ". Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Ban Chấp hành Trung ương đã nhận định: "Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc".

Hiện nay, lực lượng lao động qua đào tạo chủ yếu tập trung ở các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp, nhưng chất lượng và cơ cấu không đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh. Theo két quả khảo sát sự “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB), trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94… Chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

Tại Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, trước thực trạng chất lượng lao động qua đào tạo ở các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp thấp kém như hiện nay đã đặt ra nhu cầu và yêu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Cùng với đó, theo đánh giá của một số tổ chức trong và ngoài nước, lực lượng cán bộ khoa học, số cán bộ công chức ở nước ta đông nhưng không mạnh, năng suất lao động thấp; số sản phẩm khoa học được ứng dụng ít. Do đó, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng yêu cầu cần làm rõ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở Trung ương; đội ngũ cán bộ khoa học ở Việt Nam; đồng thời làm rõ giải pháp đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, tái cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD&ĐT) đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của lao động Việt Nam. Đó là, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động mấy năm gần đây có xu hướng cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực; cơ cấu lao động còn tồn tại thừa, thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật theo vùng miền; sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng làm việc cần thiết…

Để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước trên thế giới và trong khu vực, PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng: Ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có. Đây là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới cần cải thiện, tăng cường…

Đề cập đến lực lượng lao động nông thôn, PGS.TS Phạm Bảo Dương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với lực lượng lao động nông thôn hùng hậu (trên 70% tổng lực lượng lao động cả nước), nhưng trên thực tế, một tỷ lệ rất cao trong số này không có chuyên môn, kỹ thuật. Quá trình triển khai công tác đào tạo nghề trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại khiếm khuyết, đặc biệt, liên quan đến cơ chế, chính sách về dạy nghề.

Đưa ra giải pháp, PGS.TS Phạm Bảo Dương đề xuất cần có chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung mở rộng các hình thức đào tạo nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của người học nhất là những lao động nông thôn nghèo, các nhóm người yếu thế... Qua đó xây dựng các chương trình dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Một trong những chính sách cần đặc biệt quan tâm đổi mới đó là cần giảm dần tính bình quân hóa kinh phí dạy nghề và thay đổi hình thức hỗ trợ nhằm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ một cách hiệu quả.

Mặt khác, cần có cơ chế chính sách tạo cầu nối lao động - thị trường lao động. Chính sách này sẽ là một trong những nền tảng chính đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy nghề và sử dụng được nghề đã học. Do đó, cần thúc đẩy các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động vận hành. Rất có thể sẽ cần có thêm những chính sách thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới trung gian làm cầu nối giữa đơn vị đào tạo nghề và nơi sử dụng lao động nhằm đảm bảo sự cân bằng cung cầu trên thị trường lao động.

Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đề nghị cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong phân luồng đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề; xem xét cân nhắc mở rộng các trường ĐH và cố gắng hoạch định các mảng đào tạo ĐH hàn lâm và ĐH ứng dụng; có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó, mong muốn có những khóa học đào tạo nghề chuyên sâu.

Với những kỹ năng nghề đơn giản, không cần đòi hỏi cao, đề nghị có khung đào tạo phù hợp, tránh có những môn học “thừa”. Ví dụ, đào tạo công nhân trình độ thấp lại bắt học ngoại ngữ, tin học là không cần thiết, lãng phí thời gian, tiền của. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các luồng đào tạo nghề; quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh, đặc biệt là chất lượng đầu vào.

Lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực bày tỏ mong muốn, sau hội thảo này sẽ có các công việc tiếp theo, ở phạm vi, quy mô phù hợp, giúp ngành Giáo dục, tại cơ quan trung ương, các nhà trường và những chủ thể khác tham gia vào quá trình này có sự thay đổi đồng bộ về nhận thức; có sự bàn bạc và xây dựng kế hoạch của từng đơn vị, từng bộ phận, cùng phối hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam