Nhiều quy định mới liên quan đến người lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2015

05/01/2015 08:22 AM


Từ ngày 1/1/2015, nhiều quy định mới trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Lương tối thiểu tăng tối đa 400.000 đồngTheo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Cụ thể vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng) và vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng). Nghị định cũng quy định rõ người lao động đã qua học nghề, bao gồm người đã được doanh nghiệp đào tạo hoặc tự học nghề và được kiểm tra, bố trí làm công việc yêu cầu phải qua đào tạo nghề; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở nước ngoài; người có chứng chỉ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề hoặc hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề và người đã được cấp bằng nghề, trung cấp nghề… theo quy định tại Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và các quy định liên quan. Mức lương của những đối tượng nêu trên phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Nghỉ ốm 14 ngày/tháng không phải đóng BHYT

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2015 thì người lao động trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản. Người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Người lao động bị tạm giam, tạm giữ sẽ đóng BHYT bằng 50% mức đóng bình thường, nếu sau khi có kết luận là không vi phạm pháp luật thì phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh. Thời gian người lao động làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT. Cơ quan BHXH sẽ thanh toán 80% chi phí điều trị đối với tai nạn lao động. Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo (thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo), hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT.

Người thân thích mới được mang thai hộ

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước qua tuổi 18 như trước. Luật cũng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần và phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; ở độ tuổi phù hợp, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý và đã từng sinh con. Bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính-Khoản 2 Điều 8”. Như vậy những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn.Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.

Hợp đồng mùa vụ cũng phải tham gia BHTN

Với Luật Việc làm, so với quy định trước đây, đối tượng tham gia BHTN sẽ có thêm người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên. Mặt khác, cũng không còn quy định người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên mới phải tham gia BHTN. Tuy nhiên, người lao động giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia BHTN.

Chậm nộp BHYT, lãi tăng gấp đôi

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2008, Luật BHYT sửa đổi 2014 có nhiều quy định mới. Như cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Chế độ lao động của thuyền viên tàu biển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền viên, chủ tàu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam. Chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam gồm hợp đồng lao động thuyền viên; tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết; hồi hương; thực phẩm và nước uống; chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ; trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp;... Trong đó, về hợp đồng lao động thuyền viên, trước khi làm việc trên tàu biển, chủ tàu và thuyền viên phải ký hợp đồng lao động thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không trực tiếp ký kết hợp đồng lao động thuyền viên thì ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện thực hiện. Việc ký kết, ủy quyền, thực hiện lao động thuyền viên theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định này và văn bản có liên quan.

Ngoài những nội dung cơ bản được quy định tại Bộ Luật lao động, hợp đồng lao động thuyền viên phải có thêm các nội dung việc hồi hương của thuyền viên; bảo hiểm tai nại; tiền thanh toán nghỉ hằng năm; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động thuyền viên. Hợp đồng lao động thuyền viên, các phụ lục, tài liệu liên quan được làm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có giá trị pháp lý như nhau. Thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp, chủ tàu có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả gồm điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là mãn tính. Bên cạnh đó, trả đủ tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thuyền viên trong thời gian điều trị; thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu. Chủ tàu không phải thanh toán chi phí cho thuyền viên trong trường hợp: Bị thương xảy ra ngoài thời gian đi tàu; bị thương, bị ốm do hành vi cố ý của thuyền viên.

Theo Chinhphu.vn, Vn Economy