Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp: Lợi cả đôi đường

05/01/2015 08:08 AM


Vấn đề phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các lĩnh vực và ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được tham gia xếp hạng. Cùng với đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta chỉ khoảng 34,9% năm 2013, thực trạng DN, nhất là DN có vốn đầu tư của nước ngoài “khát” lao động kỹ thuật ngày càng trầm trọng. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam liên tục giảm. Nếu chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gặp khó khăn lớn. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Những năm gần đây, lĩnh vực dạy nghề đã nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, được Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nhất là trong nghề nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao. Năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên, quản lý còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành nhiều nơi lạc hậu, hệ thống chương trình, giáo trình nhiều nơi còn chưa cập nhật.

Cùng với đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của cơ sở dạy nghề vẫn còn sự can thiệp của nhiều cơ quan các cấp. Một số người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế về thực thi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chưa chủ động, năng động trong chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đơn vị, vẫn trông chờ ở cơ quan cấp trên. Ngân sách Nhà nước giao cho hoạt động dạy nghề hiện nay chủ yếu theo mức khoán, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Minh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Giao thông Vận tải Trung ương I cho rằng: "Đào tạo nghề ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở dạy nghề và DN chưa có sự liên kết chặt chẽ. Bản thân trường Cao đẳng Nghề Giao thông Vận tải Trung ương I đã liên kết với nhiều DN để hỗ trợ người học tìm việc, thực tập, tìm hiểu thực tế... Nhưng do chưa thường xuyên lấy ý kiến đơn vị sử dụng lao động về chất lượng làm việc của học viên sau khi ra trường, nên nội dung chương trình đào tạo chưa thật sự sát với nhu cầu".

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia đến năm 2020 sẽ có 61,5% số lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đỏi hỏi năng lực đào tạo của hệ thống tăng trung bình 3,4% hằng năm từ nay đến năm 2020. Để đạt mục tiêu này, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề cho biết: Việt Nam cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng khung trình độ quốc gia (trong đó có khung trình độ nghề quốc gia), ban hành các bộ chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên khung trình độ nghề quốc gia... Đối với trường dạy nghề, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các yếu tố đảm bảo chất lượng cần thiết cho quá trình đào tạo nghề phải xây dựng phù hợp. Các yếu tố đảm bảo chất lượng bao gồm: Chương trình, giáo trình; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, và công tác quản lý.

Ngoài ra, để chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa DN, trường nghề hơn bao giờ hết. Như chia sẻ của ông Trương Huỳnh Như, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Bà Rịa - Vũng Tàu: "Năm 2013, nhà trường phối hợp với 18 DN xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của chính đơn vị liên kết. Phần lý thuyết đào tạo tại trường, phần nâng cao và kỹ năng đào tạo tại DN. Nhờ đó, sinh viên không chỉ được thực hành mà còn được làm việc như một công nhân thực thụ. Cho nên, họ được DN trả lương và nhận vào làm sau khi ra trường. Trong khi đó, DN không phải mất công đào tạo lại, còn nhà trường cũng đỡ một phần kinh phí". Không chỉ riêng Trường Cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn rất nhiều trường nghề khác đã áp dụng mô hình này và thành công. Trước thực tế đó, ông Nguyễn Trọng Minh đưa ra giải pháp: "Các trường cần chủ động khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực của các DN trong và ngoài ngành hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, nắm bắt định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để xác định ngành nghề đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp nhu cầu thực tiễn". Rõ ràng, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở nước ta là một bài toán khó, nhưng không phải là vấn đề không giải quyết được. Để đạt được mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra cần có sự chung tay góp sức không chỉ của Nhà nước, các trường nghề mà cần sự vào cuộc của cả các DN. Có như vậy, công tác đào tạo nghề mới thực sự đạt hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động kỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Hải Quan Online