Oxfam: Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để hướng tới giảm nghèo bền vững

15/10/2014 09:33 AM


Đổi mới lập kế hoạch (LKH) phát triển kinh tế - xã hội cấp xã theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng đã trở thành một phong trào rộng khắp trên cả nước. Đây cũng được xem là một trong những nội dung chính sách được điều chỉnh cần thiết để hướng tới giảm nghèo bền vững.

Sau các giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm đổi mới LKH cấp thôn và cấp xã ở một số tỉnh từ những năm 90, đến nay, đổi mới LKH cấp xã đã tương đối chín muồi về phương pháp tiếp cận, qui trình và công cụ để có thể áp dụng trên diện rộng. Đây là một trong nội dung được Tổ chức Quốc tế Oxfam tổng kết sau khi triển khai chuyên đề phân tích chính sách về “Lập kế hoạch cấp xã có sự tham gia của cộng đồng và phân cấp tài chính cho cấp cơ sở” trong năm 2014 tại 7 tỉnh trong cả nước gồm Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh, trong khuôn khổ dự án “Theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo” giai đoạn 2014-2016 do Cơ quan viện trợ Ai len (Irish Aid) và Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 30 tỉnh, bao gồm cả 7 tỉnh khảo sát, đang tiến hành đổi mới LKH cấp xã.

Đổi mới LKH cấp xã đã chứng tỏ có thể áp dụng ở các xã đặc biệt khó khăn, như tại các xã thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai), ĐăkRông (Quảng Trị) và Bác Ái (Ninh Thuận)... Tuy nhiên, đa số tỉnh đang tiến hành đổi mới LKH cấp xã ở cấp độ dự án (trong phạm vi các xã, huyện thuộc dự án tài trợ). Một số tỉnh (như Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Trị và Nghệ An) đã thành công trong thể chế hóa qui trình LKH cấp xã, cũng mới ở cấp độ địa phương (trong phạm vi từng tỉnh). Chia sẻ về nội dung này, bà Lê Kim Dung, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, đổi mới LKH cấp xã, tăng cường phân cấp đầu tư cho cấp xã và trao quyền thực sự cho cộng đồng để họ làm chủ thực hiện các công trình nhỏ và đơn giản là các yếu tố gắn kết chặt chẽ, góp phần đổi mới công tác quản trị nhà nước ở cấp địa phương, phân bổ và sử dụng nguồn lực tốt hơn, phát huy nội lực cộng đồng hướng đến giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Cùng thời gian này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục "Khoản vay bổ sung Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc - giai đoạn 2" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án trên được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018) tại 6 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình với tổng kinh phí thực hiện là 110 triệu USD, trong đó, vốn vay WB là 100 triệu USD, vốn đối ứng là 10 triệu USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản Dự án. Dự án gồm 4 hợp phần với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ phát huy kết quả của Dự án “Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc” các giai đoạn trước, tiếp tục nâng cao mức sống của người hưởng lợi vùng dự án thông qua: cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương; hỗ trợ công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã; tăng cường liên kết thị trường và sáng kiến kinh doanh.

Cụ thể, góp phần hỗ trợ các tỉnh thực hiện dự án đạt được mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững từng giai đoạn; hỗ trợ cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã thực hiện dự án, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của địa phương; hỗ trợ các xã thực hiện dự án triển khai quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia và lồng ghép đầy đủ kế hoạch cấp xã vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; tiếp tục tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của người dân địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững của các hoạt động trong khuôn khổ dự án...

Theo Chinhphu.vn, DTO, VNE