9 tháng năm 2014: Hơn 83 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
03/11/2014 02:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 9 tháng năm 2014, đã có 83.369 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 95,83% kế hoạch năm 2014.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2014 là 9.642 lao động, gồm các thị trường Đài Loan: 5.421 lao động, Nhật Bản: 1.892 lao động , Hàn Quốc: 1.085 lao động, Malaysia: 425 lao động , Ả rập Xê út: 422 lao động, Macao: 215 lao động và các thị trường khác. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 83.369 lao động, đạt 95,83% kế hoạch năm 2014 và bằng 132,63% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, dẫn đầu vẫn là thị trường Đài Loan: 49.956 lao động, tiếp đến là Nhật Bản: 14.498 lao động, Hàn Quốc: 5.700 lao động, Malaysia: 4.258 lao động, Ả rập Xê út: 2.829 lao động và các thị trường khác. Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa ban hành văn bản quyết định tạm dừng cung ứng lao động sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), có thời hạn đối với 3 Công ty Việt Nam gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (THANGLONG OSC), Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực – HaUI (LETCO), Công ty cổ phần Hữu nghị Bắc Giang (HUTRASERCO). Nguyên nhân các công ty trên bị tạm dừng cung ứng lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) do thu phí của người lao động sai theo quy định, Cục yêu cầu 3 Công ty trên không triển khai việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và không tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động để đưa sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) trong thời gian bị tạm dừng để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng và báo cáo Cục để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang dần được mở rộng. Trong đó, thị trường khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi. Riêng đối với các nước ở khu vực châu Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận cấp Bộ trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục có thêm cơ hội tăng số lượng cung ứng lao động trong ngành sản xuất cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc) khi thị trường này đã có một số chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài. Với việc tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, để tham gia chương trình, ứng viên hộ lý phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm); không quá 35 tuổi (ngày sinh từ 01/01/1979 trở đi); đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật. Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài những tiêu chí nêu trên đối với ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng phải có thêm các điều kiện: Được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 09 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).
Người đăng ký đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được tuyển chọn đưa vào đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn. Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn. Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng, hộ lý như sau: Ứng viên điều dưỡng: 130.000 – 140.000 yên/tháng; Ứng viên hộ lý: 140.000 – 150.000 yên/tháng. Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích trong công việc.
Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, cánh cửa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc của lao động Việt Nam đang hẹp dần. Theo số liệu gần nhất từ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động không về nước đúng hạn trung bình tuy đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao, khoảng 35%. Một số địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao trên 30% là Bắc Giang (33,7%), Bắc Ninh (31,25%), Hà Nam (38,54%), Hà Nội (34,57%), Hải Phòng (47,17%), Hưng Yên (36,99%), Nam Định (47%), Nghệ An: 46,41%, Quảng Bình (44,83%), TP Hồ Chí Minh (42,59%), Thái Bình (47,19%), Hà Tĩnh (47,08%), Thanh Hóa (37,42%). Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ) đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình EPS cho biết, mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt được ký có giá trị trong vòng một năm nhưng đến nay số lao động Việt Nam được chủ sử dụng lựa chọn đã vượt quá mức hạn ngạch mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Nếu bản ghi nhớ đặc biệt về chương trình EPS sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới và không được phía Hàn Quốc ký tiếp, việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Theo ĐCSVN, DTO, GĐ&XH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT