Cứ ba hộ thoát nghèo thì một hộ vào nghèo

03/11/2014 08:11 AM


Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm gần một sửa so với thời điểm năm 2010, nhưng thực chất họ chưa thoát ra được nghèo mà nằm ở cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới cao.

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân cả nước là 2%/năm; các huyện, xã nghèo giảm trên 5%/năm. Đánh giá cao hiệu quả của những chính sách giảm nghèo thời gian qua nhưng ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, thực chất giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, cận nghèo tăng. Nói một người thoát nghèo là thoát chuẩn nghèo, chứ không phải thoát nghèo đúng nghĩa, thành giàu. Nhiều chính sách hỗ trợ cho không như: gạo, vải mặc, dầu hỏa thắp sáng, cấp tiền... đã làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới cao; cứ 3 hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo hoặc nghèo mới. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát sinh nghèo mới là do tách hộ. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố thiên tai, lũ lụt. Bình quân mỗi năm, Nhà nước trợ cấp lương thực cho 1,5-1,7 triệu lượt người, nhưng vào năm 2013 con số này lên 4,1 triệu. Chuẩn nghèo và cận nghèo không chênh nhau, nhưng những chính sách ưu đãi lại có sự khác biệt lớn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người không muốn thoát nghèo.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận, nghèo-cận nghèo không hơn nhau là mấy; nhóm cận nghèo thực ra vẫn nghèo: "Nếu tính theo nhu cầu mức sống tối thiểu thì phần lớn người cận nghèo rơi xuống thuộc diện nghèo. Tuy nhiên vì nguồn lực kinh tế có hạn, nên các chính sách hỗ trợ đều ưu tiên vào chỗ khó khăn nhất, người nghèo nhất. Việc bình chọn xét duyệt ở dưới rất phức tap, quá nhiều ưu đãi không ai muốn ra khỏi diện nghèo, ra là mất bao nhiêu thứ. Một số chính sách hiện nay không khuyến khích được giảm nghèo. Về cơ bản việc rà soát hộ nghèo các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh, nhưng một số địa phương làm chưa thực sự nghiêm túc, khách quan, công bằng, có địa phương thậm chí nghèo luân phiên nhau. 68% dân số nước ta sống ở vùng nông thôn, thu nhập do làm nông nghiệp bấp bênh, thấp. Làm cả vụ mà chưa biết cuối vụ được gì, hằng ngày vác cuốc đi làm về không; làm công nhân đi làm ngày nào tính công ngày đấy. Thu nhập nông dân chỉ xung quanh đường nghèo. Hiện nay, Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ ngành tổ chức 10 đoàn liên bộ đến các huyện nghèo đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo. Đồng thời xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại xác định người thuộc diện nghèo".

Phát huy những kết quả giảm nghèo đã đạt được, sang năm 2015, Quốc hội đã giao Chính phủ phấn đấu đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo cả nước xuống còn 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh các văn bản theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tránh chồng chéo. Sang giai đoạn 2016-2020, phấn đấu hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính để người dân thuận lợi tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, bảo đảm ít nhất 90% hộ nghèo tham gia BHYT, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT để đảm bảo cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Theo Tin tức, ĐCN