Đốt rác thải y tế bằng phương pháp thổi khí của Nhật Bản

29/10/2014 07:50 AM


Theo Bộ Y tế, lượng chất thải y tế từ hơn 800 BV công, 157 BV tư và hơn 30.000 các phòng khám tư trên cả nước trung bình từ 400-500 tấn/ngày, khoảng 10% là chất thải độc hại.

Theo quy định, các chất thải y tế nguy hại phải được các BV và các bên được giao trách nhiệm tiêu hủy an toàn. Tuy nhiên, rất ít trong số này thực hiện đúng quy định nên một lượng không nhỏ trôi nổi được phân loại tái chế thành các đồ dùng.

Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, nguyên nhân chính do chi phí xử lý rác thải y tế còn quá cao so với khả năng chi trả của nhiều cơ sở y tế. Công nghệ xử lý rác y tế còn lạc hậu, ý thức trách nhiệm thấp của người dân và các nhà quản lý y tế, chế tài xử phạt vi phạm các quy định về môi trường, rác  thải y tế chưa đủ sức răn đe...

Trong bối cảnh đó, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa viện trợ và giới thiệu một công nghệ vận hành một lò đốt rác tiên tiến nhất. Đó là Dự án "Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải y tế công suất 200 kg/h”, đặt tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát, quận Hải An, TP Hải Phòng. Đây là dự án xử lý chất thải y tế và chất thải nguy hại bằng phương pháp thổi khí, ít sử dụng nhiên liệu.

Kết quả giám sát trong giai đoạn vận hành thử nghiệm vừa qua từ tháng 2-2014 đến nay cho thấy: Khí thải lò đốt được đo đạc trong 3 ngày, mỗi ngày 4 mẫu có các thông số ô nhiễm đo đạc đều thấp hơn giới hạn tối đa cho phép. Toàn bộ hàm lượng của các thông số kim loại nặng có trong 6 mẫu tro lò đốt thu được trong 3 ngày, mỗi ngày 2 mẫu đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại.

Loại lò đốt này có tỷ lệ nội địa hóa 70%. Việt Nam là nước đầu tiên Nhật Bản chuyển giao công nghệ tiên tiến này. Nếu làm tốt, Việt Nam có thể xuất khẩu công nghệ này sang các nước trong khu vực, các chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh.

Nguồn Đại đoàn kết