Luật BHXH (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm An sinh xã hội

24/10/2014 01:25 AM


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 08, Quốc hội khóa XIII, ngày 23/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo luật này.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình lần này đã được tiếp thu và giải trình tốt, đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng, hoàn toàn có thể thông qua tại kỳ họp này, góp phần bảo đảm An sinh xã hội.

Hợp đồng mùa vụ, dưới 03 tháng phải được đóng BHXH

Tại Hội trường, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong mở rộng đối tượng tham gia BHXH; chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định về chi phí quản lý BHXH và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm An sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Theo các đại biểu, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp nếu thuê người lao động có thời hạn dưới 03 tháng thì không cần ký hợp đồng văn bản và cũng không phải đóng BHXH. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp “trốn” đóng BHXH cho người lao động bằng cách chỉ xác lập giao kèo thuê trong ngắn hạn. Để tránh hiện tượng lách luật này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị, các doanh nghiệp bắt buộc phải xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 03 tháng, mùa vụ. Đồng thời, cần đảm bảo sau 01 đến 03 tháng, nếu doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng với người lao động thì phải tham gia đóng BHXH, như vậy mới đảm bảo nguyên tắc BHXH cho mọi người lao động. Cơ quan quản lý người lao động, chính quyền địa phương, công đoàn… cần tích cực trong tuyên truyền, hỗ trợ người lao động thực hiện chính sách này.

Mở rộng phạm vi đóng BHXH với cán bộ cấp xã

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH với các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn… trong khi ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện thì nhiều đại biểu lại cho rằng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần được tham gia BHXH bắt buộc. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng nhóm đối tượng này có thời gian làm việc ổn định, đảm nhận nhiều công việc khác nhau và trực tiếp triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cần phải có cái nhìn khách quan và đặt đúng vị trí của họ. Cán bộ không chuyên trách cấp xã trên thực tế làm việc như công chức. Ngoài làm việc trọn ngày, trọn tháng thì nhiều khi họ còn phải làm việc cả vào buổi tối. Do vậy, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu mà không có chế độ gì thì rất thiệt thòi. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị, bổ sung cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn có thời gian công tác dài đều mong muốn tham gia đóng BHXH bắt buộc. Quy định đối tượng này được tham gia đóng BHXH bắt buộc nhằm ghi nhận, động viên sự đóng góp của số đối tượng cán bộ này làm tăng nguồn thu, góp phần ổn định Quỹ BHXH.

Nhiều đại biểu cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ 10% cho cán bộ không chuyên trách cấp xã nếu thuộc đối tượng tham gia tự nguyện và 14% với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo tính toán, Nhà nước sẽ phải bỏ ra 443 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người hoạt động không chuyên trách.

Đảm bảo cân đối Quỹ BHXH

Liên quan đến phương án tính lương hưu mới, cơ quan soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 02 phương án:

Phương án 01: Từ 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng trong 15 năm của lao động nữ và 20 năm của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ mỗi năm làm việc, người lao động được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.

Phương án 02: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Mặc dù còn nhiều ý kiến giữa hai phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cả 02 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng-hưởng BHXH.

Về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH, một số đại biểu tán thành với việc quy định cách tính bình quân toàn bộ thời gian đóng cho mọi đối tượng tham gia BHXH.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định từ ngày 01/01/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Từ góc độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đại biểu Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: Dự thảo Luật BHXH nên tính mức lương đóng BHXH căn cứ trên mức lương thực tế của người lao động, chứ không phải là mức lương ghi trên hợp đồng, bởi hiện nay, các doanh nghiệp thường lách luật bằng cách chỉ ghi mức lương tối thiểu trên hợp đồng, thấp hơn nhiều so với thực tế. Đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng, nếu đóng BHXH trên nền mức lương tối thiểu vùng sẽ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền đóng BHXH mỗi năm và sau này, khi người lao động về hưu, mức lương hưu của họ chỉ bằng 70% mức lương tối thiểu vùng.

Giao thẩm quyền thanh tra cho BHXH Việt Nam

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam với quan điểm đây là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột An sinh xã hội chủ yếu, đó là BHXH, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến An sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH và tổ chức cung cấp dịch vụ công. Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.

Về nội dung giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Đây là một giải pháp tốt nhất xử lý nợ đọng BHXH của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động hiện nay. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, BHXH là cơ quan quan trọng nhất trong quyết định thực hiện An sinh xã hội chủ yếu của quốc gia trong giai đoạn tới và có trọng trách lớn trong thu chi, quản lý, sử dụng, đầu tư và thu lợi, nên việc giao quyền thanh tra cho BHXH Việt Nam trong đóng BHXH là hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: giao thẩm quyền thanh tra đóng BHXH cho BHXH Việt Nam, thì phải khẳng định cơ quan BHXH là cơ quan Nhà nước, có chức năng thực hiện sự nghiệp công, do vậy chúng ta phải công nhận chức năng quản lý nhà nước của BHXH Việt Nam và hoàn toàn nhất trí với chức năng thanh tra của BHXH Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức cơ quan BHXH, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) kiến nghị, Quốc hội xem xét xác định BHXH là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước. Mặc dù quy định như vậy chưa hoàn toàn phù hợp với cơ quan tổ chức Chính phủ theo quy định của pháp luật nhưng còn tốt hơn là quy định BHXH cơ quan nhà nước một cách chung chung như trong Dự thảo Luật BHXH. Hơn nữa việc xác định BHXH của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước thể hiện quan điểm coi việc bảo đảm An sinh xã hội đúng với bản chất và tầm quan trọng vốn có của nó đối với xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng BHXH đã thanh tra thì cần thanh tra toàn diện, việc chia cắt nhiệm vụ như trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho quá trình thực thi.

Đối với vấn đề chi phí quản lý BHXH, nhiều đại biểu tán thành phương án quy định chi phí quản lý BHXH hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; mức cụ thể do Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định 03 năm một lần đồng thời, hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH để bảo đảm chi phí quản lý BHXH được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Về quy định bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, nội dung bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật BHXH (sửa đổi) đã chuyển sang dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động./.

Nguồn TC BHXH