Cần thành lập cơ quan thanh tra việc đóng BHXH

24/10/2014 08:48 AM


Trước tình trạng trốn, nợ BHXH đang hết sức trầm trọng, buổi thảo luận trước Quốc hội chiều 23/10/2014 trở thành dịp hiến kế ngăn chặn vấn nạn này. Cái kế ấy là việc giao thêm chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH. Trước tình trạng trốn, nợ BHXH đang hết sức trầm trọng, buổi thảo luận trước Quốc hội chiều 23/10 trở thành dịp hiến kế ngăn chặn vấn nạn này. Cái kế ấy là việc giao thêm chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH.

bsLoi 241014.jpg

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi

Lương hưu của Tổng Giám đốc cao hơn Chủ tịch Quốc hội

Dẫn Nghị quyết 21 Bộ Chính trị yêu cầu mở rộng đối tượng để năm 2020, có 50% tương đương 25 triệu lao động tham gia BHXH và chính sách BHXH đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận chính sách BHXH hiện hành là “có vấn đề”. Ông đề nghị mở rộng đóng bảo hiểm tới nhóm 9,4 triệu người lao động đang làm việc theo mùa vụ nhưng không có hợp đồng. “Nếu không đưa vào diện bắt buộc phải đóng BHXH thì chủ lao động sẽ không đóng bảo hiểm cho người lao động” - ông nói.

Nêu ví dụ như trường hợp nguyên Tổng GĐ Nhà máy bia Huda hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội, ông Lợi cũng cho rằng ngân sách thấp nhưng tiền lương tăng nhanh, do đó cần có lộ trình để giảm bao cấp của Nhà nước để giảm nghịch lý: Hiện đóng bảo hiểm thì thấp chỉ 7% trên tiền lương thực tế, nhưng khi về hưu thì hưởng lương rất cao, đến 75% của mức lương từ 5-10 năm cuối trước khi về hưu.

Chống trốn nợ bằng tăng quyền cho BHXH?

Trước tình trạng trốn, nợ BHXH gây hậu quả thất thu quỹ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội, tới đời sống của người hưu trí, người tham gia bảo hiểm, các vị ĐBQH đã bàn tới “liều thuốc” giao quyền cho thanh tra BHXH.

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu cho rằng, việc bổ sung chức năng thanh tra việc đóng BHXH và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH là rất cần thiết. Bởi theo bà, BHXH là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, đó là BHXH, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động”.

ctHau 241014.jpg

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, giao cơ quan BHXH được thực hiện chức năng thanh tra là giải pháp tốt nhất để xử lý nợ đọng BHXH của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Là ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội đồng thời đương nhiệm chức Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, ĐBQH Nguyễn Văn Sơn còn đề nghị tăng thêm thẩm quyền cho thanh tra BHXH. “Hiện luật quy định thanh tra có chức năng thanh tra việc đóng BHXH, tuy nhiên không chỉ giao cho quyền thanh tra mà còn phải toàn diện. Bởi nguồn lực thanh tra còn nhỏ nhoi so với nhiệm vụ phải làm chứ đừng sợ trùng với ngành tài chính hay ngành LĐ-TB&XH”.

Tất nhiên, việc giao thêm chức năng thanh tra cũng làm phái sinh một số vấn đề, chẳng hạn như ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) thắc mắc: “Nếu giao cho BHXH thêm chức năng thanh tra thì phải làm rõ liệu có giao thêm biên chế không”.

Tới cuối phiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Sỹ Cương nên giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thay vì chỉ giao thanh tra việc đóng BHXH. Có thể trong tình hình hiện tại việc đóng BHXH là vấn đề nóng và thanh tra việc đóng BHXH là quan trọng hơn vấn đề khác như việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH… nhưng các vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi nếu chỉ giao một chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng “cơ quan BHXH phát hiện có vi phạm chế độ, chính sách BHXH đối với người lao động, chẳng lẽ lại nói đợi tôi về tôi gọi thanh tra LĐ-TB&XH. Và ngược lại khi thanh tra LĐ-TB&XH phát hiện có vi phạm trong đóng BHXH thì cũng phải đợi thanh tra BHXH ra (?!).

Theo: laodong.com.vn