Báo động đỏ xử lý chất thải y tế

19/08/2014 08:49 AM


Đó là tiếng chuông cảnh báo được Bộ Y tế nhắc lại tại Hội nghị Rà soát kết quả thực hiện vòng 1 và kế hoạch hoạt động giai đoạn tiếp theo về xử lý chất thải y tế (CTYT) được Bộ này tổ chức hôm qua, 18-8.

Đại diện Cục Quản lý môi trường (QLMT) Bộ Y tế cho hay, hàng ngày, trên toàn quốc có đến 47 tấn chất thải rắn y tế (CTRYT) (chiếm 10,5% lượng chất thải phát sinh) và 125.000 khối nước thải y tế (NTYT) (ở các cơ sở KCB) thải ra môi trường. Trong khi đó, chỉ có khoảng gần 30% số BV xử lý CTRYT nguy hại bằng lò đốt 2 buồng hoặc bằng công nghệ đốt thân thiện với môi trường. Gần 40% số BV thuê các công ty môi trường (MT) xử lý, không kiểm soát được nguy cơ thất thoát ra bên ngoài. Số BV còn lại, chất thải chỉ được xử lý bằng lò đốt 1 buồng, đốt thủ công hoặc chôn lấp trong khuôn viên ở một số BV huyện hoặc BV chuyên khoa tại các tỉnh miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Đối với NTYT, chỉ có khoảng 54,4% số BV có hệ thống xử lý. Đa số các cơ sở đào tạo y dược, các trạm y tế xã chưa có hệ thống xử lý nước thải (XLNT). Khoảng 50% (91/180) các cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống XLNT. Số các cơ sở y tế còn lại tuy được xử lý sơ bộ nước thải trước khi thải vào hệ thống chung nhưng có nhiều hệ thống không hoạt động hoặc vận hành kém, không đạt quy chuẩn.

Lý giải thực trạng này, đại diện Cục QLMT cho rằng là do hệ thống văn bản quy định về quản lý môi trường y tế (QLMTYT) chưa đầy đủ và thiếu hướng dẫn cụ thể, mạng lưới tổ chức QLMTYT tại các tuyến chưa được kiện toàn. Đội ngũ các cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm và không đủ về số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Trong khi đó, nhận thức của nhân viên y tế nói chung còn hạn chế về QLCTYT. Kinh phí đầu tư cho công tác này đòi hỏi rất lớn nhưng không phải nơi nào cũng được đáp ứng. Đã vậy, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác này lại chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả…

Tại hội nghị này, Cục QLMT, Bộ Y tế đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh thực hiện lồng ghép việc triển khai các nhiệm QLCTYT vào các chiến lược quy hoạch phát triển ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng đầu tư và yêu cầu đầu tư đối với tất cả các cơ sở y tế, bất kể đó là của công hay của tư. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT theo hướng lựa chọn CN mới đảm bảo thân thiện với môi trường, phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở.

Riêng về công nghệ xử lý CTYT, Cục QLMT, Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với CTR, các cơ sở y tế cần ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường thứ phát, phù hợp với điều kiện kinh phí, khả năng vận hành, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng… Đối với nước thải y tế, tại các cơ sở y tế nằm trong thành phố gần khu dân cư, đô thị có diện tích eo hẹp có thể áp dụng phương pháp sinh học nhân tạo. Đối với các cơ sở y tế nằm xa khu dân cư/đô thị, có diện tích rộng lớn có thể áp dụng phương pháp sinh học trong điều kiện tự nhiên. Đối với nơi khác có thể áp dụng công nghệ xử lý cơ học và khử trùng.

Theo Báo Đại đoàn kết