Đồng bộ với các cơ chế chính sách để luật BHXH được thực thi hiệu quả
08/08/2014 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là nội dung được TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên ngày 1-8, bên lề Hội thảo khu vực phía Bắc: Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về việc sửa đổi Luật BHXH và “gỡ” khó trong thu BHXH…
Phóng viên (PV): Dự thảo Luật BHXH lần này đã mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH bắt cuộc, cụ thể như thế nào thưa ông? TS Bùi Sỹ Lợi: Lần này, trong đối tượng chúng ta mở rộng thêm so với luật hiện hành có mấy nhóm. Thứ nhất, lao động hợp đồng từ 1 đến 3 tháng. Nếu làm tốt việc này, chúng ta có thể thu hút được 7 triệu lao động tham gia vào hệ thống BHXH.
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên
Thứ 2, hiện nay BHXH bắt buộc mới khoảng 20%, có nghĩa chúng ta còn lại hơn 70% lực lượng lao động chưa tham gia hệ thống BHXH bắt buộc, ước tính có khoảng 37 triệu người, trong đó, lực lượng lao động của khu vực nông thôn khoảng 15 triệu người. Nếu mở rộng trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ một phần để cho đối tượng này tham gia vào hệ thống BHXH thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu về số lượng người tham gia BHXH cũng như đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội cho người dân trong tương lai khi họ hết tuổi lao động. Nhưng với đối tượng này phải quy định rõ mức ưu tiên thế nào, ai đi trước, ai đi sau, ai được ưu tiên nhiều, ai được ưu tiên ít. Cùng với đó, phải theo lộ trình kèm theo điều kiện, khả năng bảo đảm cân đối nguồn ngân sách Nhà nước. Cần xem xét cụ thể xem hỗ trợ cụ thể như thế nào, 50% mức đóng hay 22% trên mức bình quân chuẩn nghèo hay mức sống tối thiểu hoặc bình quân của lương tối thiểu hiện nay. Tất nhiên, trong Luật chỉ ghi Nhà nước có chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ người lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Còn mức đóng, lộ trình cách thức, tỉ lệ bao nhiêu Nhà nước phải tính toán. Phải tính, trong tổng số 37 triệu lao động trên, cũng có người nghèo chắc sẽ hỗ trợ ở mức khác. Còn đối tượng thuộc hàng trung lưu, giàu có, phải đặt một cái sàn cao hơn với nguyên tắc có đóng, có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. PV: Việc mở rộng đối tượng với người lao động có hợp đồng từ 1 đến 3 tháng là tốt, nhưng có tính khả thi có không thưa ông, trong khi hợp đồng chỉ bằng miệng? TS Bùi Sỹ Lợi: Trong thực tiễn tính khả thi là một vấn đề đặt ra. Hiện nay, có 17 triệu người lao động trong quan hệ lao động nhưng chỉ có 10,9 triệu người tham gia BHXH, tức là hơn 6 triệu người không tham gia, cho thấy tính tuân thủ pháp luật rất thấp. Lần này chúng ta lại mở rộng tất cả các đối tượng để buộc lao động làm việc từ 1 đến 3 tháng trong doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất cũng phải tham gia BHXH thì rõ ràng tính tuân thủ pháp luật sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc mở rộng đối tượng. Chính vì lẽ đó mà Luật phải đồng bộ với các cơ chế chính sách, từ chế tài, xử phạt để nâng cao tính tuân thủ pháp luật đến công tác tuyên truyền giáo dục vận động để người dân hiểu khi về hưu phải có nguồn thu nhập từ quỹ BHXH. Nếu chúng ta không làm tốt vấn đề này sẽ rất khó cho việc thực thi pháp luật. Vấn đề quan trọng nhất là tổ chức BHXH phải linh hoạt, nhanh nhạy, kết nối hệ thống công nghệ thông tin để người lao động biết khi tham gia BHXH trong 20 năm, khi hết tuổi lao động, về hưu họ có bảo đảm mức sống tối thiểu không? Điều đó BHXH Việt Nam phải cải cách tổ chức bộ máy, hiện đại hóa công nghệ thông tin… tránh tình trạng thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ rất nhiều năm đến nay mới đạt 176.000 người tham gia, ảnh hưởng đến tính thực thi của pháp luật. Điều này chúng ta phải xử lý bằng các cơ chế chính sách bằng sự thông thoáng, tổ chức bộ máy, hiện đại hóa. PV: Tình trạng doanh nghiệp nợ, “trốn” đóng BHXH nhiều đang dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tăng tính răn đe như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông? TS Bùi Sỹ Lợi: Đúng là khi phân tích 7 năm thực hiện Luật BHXH 2006 thấy tồn tại lớn nhất là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH. Đến nay, theo báo cáo, có hơn 12.000 tỷ đồng nợ đọng BHXH không xử lý được. Nguyên nhân là do tính tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động thấp. Nhưng các chế tài, thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt, khởi kiện, thậm chí hình sự hóa vấn đề này chưa thực hiện tốt. Sửa đổi Luật BHXH lần này phải đặt vấn đề tăng thẩm quyền cho thanh tra lao động hoặc thẩm quyền cho Sở Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cũng như nâng mức xử phạt. Chính phủ đề nghị xử phạt gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng, cơ quan BHXH có quyền được khởi kiện chủ sử dụng lao động khi trốn đóng, nợ đọng BHXH. Có thể giao quyền đại diện cho tập thể người lao động, tổ chức công đoàn có thể đứng ra khởi kiện về nợ đọng BHXH của doanh nghiệp. Cuối cùng, phải sửa Bộ luật hình sự. Tội danh trốn đóng, chiếm dụng BHXH như là vi phạm Luật thuế, phải hình sự hóa vấn đề này, để khi vượt ngưỡng đó chúng ta phải xử lý hình sự các chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng BHXH một cách dây dưa. PV: Xin cảm ơn ông!
Theo QĐNDO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT