Báo động về mức sống tối thiểu của công nhân

07/07/2014 08:52 AM


Điều 31, Bộ luật lao động năm 2012, giải thích: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động, làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của  người lao động và gia đình họ. Như vậy, theo luật và cũng từ thực tiễn, để xem xét mức lương tối thiểu đưa ra đã phù hợp hay chưa, người ta phải bắt đầu từ mức sống tối thiểu.


Mức sống tối thiểu (MSTT) lại được đại đa số (cả những người làm nghiên cứu, cả những người quản lý, chỉ đạo thực tiễn và cả công nhân lao động) cùng thống nhất, là mức để con người có thể tồn tại, bảo đảm một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài và một nhu cầu văn hóa tối thiểu. MSTT thực chất là mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu, trong một chừng mực nào đó, MSTT được đánh giá thông qua các mức chi tiêu thực tế thấp nhất cho nhu cầu  sống của các thành viên trong xã hội.

Ở mức độ khái quát nhất, nhu cầu sống tối thiểu được thể hiện ở: nhu cầu lương thực, thực phẩm; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm; nhu cầu để nuôi con.

Nhu cầu lương thực, thực phẩm được xác định trên cơ sở giỏ hàng hóa tiêu dùng (tư liệu sinh hoạt) cần thiết, cung cấp năng lượng hằng ngày cho người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, giỏ hàng hóa được tính trên 58 mặt/nhóm hàng, trong đó 45 nhóm có thể lượng hóa, tính toán được, đủ cả lượng và giá của từng mặt hàng, để cung cấp mức năng lượng tương đương 2.300 kcalo/1 người/ 1 ngày, được xem là đủ duy trì MSTT cho người lao động trong các nước đang phát triển.

Nhu cầu phi lương thực, thực phẩm bao gồm các chi phí thiết yếu về mặc (quần, áo), nhà ở, điện, nước, nhu cầu văn hóa, giáo dục, y tế...

Gộp hai loại nhu cầu trên, sẽ là nhu cầu sống tối thiểu của 1 người lao động ở các nước đang phát triển. MSTT = nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm + nhu cầu tối thiểu phi lương thực thực phẩm.

Mỗi công nhân lao động được cộng thêm 70% nuôi con, của nhu cầu sống tối thiểu trên.

Như vậy, để xác định mức lương tối thiểu, phải xuất phát từ nhu cầu sống tối thiểu mà chúng tôi đã chỉ ra ở trên, tức MSTT phải gồm: Để chi phí cho những hàng hóa lương thực thực phẩm; để chi phí cho những hàng hóa phi lương thực thực phẩm; để chi phí nuôi con.

Qua số liệu khảo sát QI + QII/2014 của Viện Công nhân - Công đoàn, mức chi tiêu tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của người lao động (có tính cả nhu cầu nuôi con) là 4,1 triệu đồng. Trong đó, vùng 1 là 4,78 triệu đồng, tăng 6,8% so với 2013; vùng 2 là 4,13 triệu đồng, tăng 10,5%, vùng 3 là 3,85 triệu, tăng 8,5%, và vùng 4 là 3,31 triệu đồng, tăng so với 2013 là 6,2%.

Các khoản lương và thu nhập thêm (ngoài lương) của người lao động đã hầu như chi hết cho cuộc sống thiết yếu, đạm bạc hằng ngày, vì vậy không còn để chắt chiu, dành dụm, để phòng những khi “trở trời, trái gió”.

Khi đặt ra câu hỏi, có tiền tiết kiệm không thì 47% trả lời hoàn toàn không có; 53% trả lời có nhưng không đáng kể, phần lớn khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng/mỗi tháng.

Đây là bức xúc lớn nhất của công nhân lao động  trong các doanh nghiệp hiện nay.

Theo Báo Lao động