Chỉ 2% doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội

11/12/2013 02:09 AM


Những tổn thất về con người thì đã quá rõ. Những con số về tai nạn lao động hàng năm được Bộ LĐ-TB&XH công bố vẫn có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp đã chỉ ra một thực tế đáng báo động, mới có 2% doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.


DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đình công và TNLĐ.

Những con số thiệt hại cả về người và tài sản do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) mà người lao động phải hứng chịu do phải làm việc trong môi trường, điều kiện làm việc không đảm bảo trên thế giới và tại Việt Nam, được đưa ra tại cuộc hội thảo ngày 6/12 giữa Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và ĐSQ Đan Mạch, khiến nhiều người phải rùng mình: Cứ mỗi 15 giây lại có 160 người bị TNLĐ, 1 người chết vì TNLĐ/BNN; mỗi ngày có khoảng 1 triệu người bị TNLĐ, có 5.500 người chết vì BNN; có khoảng 2,34 triệu người chết liên quan đến lao động, 160 triệu người mắc mới bệnh liên quan nghề nghiệp. Ở Việt Nam theo Cục An toàn lao động cho biết, mỗi năm có khoảng 1.500 người mắc BNN. Tính đến cuối năm 2012, số người mắc các BNN ở Việt Nam khoảng 28.000, trong số đó nhiều bệnh liên quan đến hóa chất, bụi phổi.

Theo bà Nguyễn Tuệ Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì hiện nay, đa phần các DN Việt Nam chưa hiểu đúng về CSR. Nghiên cứu về CSR ở Việt Nam do viện này thực hiện trong năm 2012 cho thấy: chỉ có 36% DN được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện CSR. Đáng buồn chỉ có 2% doanh nghiệp nói họ hiện đang là thành viên của nhóm thực hiện các tiêu chuẩn CSR. Đánh giá về mức độ tuân thủ tránh nhiệm cộng đồng trong hai năm 2011 và 2012 cho thấy hoàn toàn không có sự khác biệt. Chỉ có 28% số DN chấp hành bảo vệ môi trường, 5% DN thừa nhận có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc y tế…

Một nguyên nhân được đưa ra là việc nhận thức CSR không đầy đủ nên khiến cho các DN trở thành những người thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bị động, thực hiện mang tính hình thức, bề nổi. Không chủ động tích cực tìm kiếm các cơ hội thị trường thông qua việc cải thiện tiêu chuẩn lao động, mà thường coi thực hiện CSR như một gánh nặng chi phí. Đây là một sai lầm lớn. Bà Birgitte Mogensen, chuyên gia CSR của DN thuộc Hội đồng CSR Đan Mạch cho biết trên thế giới đã có những tổng kết cho thấy khi DN thực hiện tốt CSR sẽ làm năng suất lao động tăng lên gấp 20 - 30% lần và sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phân tích: Chính sách pháp luật nhà nước quy định rất rõ DN tham gia quá trình sản xuất kinh doanh, ngoài việc tạo ra lợi nhuận cho chính DN và đảm bảo điều kiện tối thiểu cho lao động và đảm bảo môi trường xung quanh thì cũng cần phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuân thủ luật pháp quốc gia là căn bản thực hiện tốt CSR. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của DN, đồng thời để DN tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội đòi hỏi đầu tư lớn, cần có hệ thống khuyến khích, các dịch vụ tư vấn và có chính sách vay vốn, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn đối với tất cả các loại hình DN, nhằm mục tiêu cải thiện những tiêu chuẩn liên quan đến CSR.

Theo Báo CAND