Hỗ trợ BHXH, BHYT, BHTN, đào tạo nghề ngắn hạn, tiền thuê đất... cho đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số
10/05/2013 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2013/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các công ty TNHH một thành viên nông, lâm, thuỷ sản do Nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Hợp tác xã; Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Các đối tượng nêu trên (đơn vị sử dụng lao động) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thông tư quy định, ngân sách nhà nước:
+ Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế) cho việc đào tạo nghề đối với lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số, có đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc theo yêu cầu phải đào tạo trong kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động;
+ Hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị có sử dụng lao động tiền BHXH, BHYT, BHTN cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động. Thời gian ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho đơn vị sử dụng lao động tối đa là 5 năm đối với một người lao động.
+ Hỗ trợ tiền thuê đất. Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị (theo số lao động có mặt vào thời điểm ngày 31/12 năm trước liền kề năm báo cáo) được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nếu đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên thì được miễn 100% tiền thuê đất.
Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ về định mức lao động. Đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị do cơ quan có thẩm quyền quyết định để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20% định mức lao động chung cho đơn vị để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng tối đa là 5 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/06/2013.
Danh sách các địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ
Các tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng
Các tỉnh miền núi phía Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ
Các tỉnh miền núi Đông Nam Bộ: Bình Phước
Các huyện nghèo: - Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hoá, Quang Sơn, Mường Lát, Như Xuân, Bá Thước thuộc tỉnh Thanh Hoá
- Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong thuộc tỉnh Nghệ An
- Minh Hoá thuộc tỉnh Quảng Bình
- Đa Krông thuộc tỉnh Quảng Trị
- Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà, Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi
- Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam
- An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh thuộc tỉnh Bình Định
- Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận
Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao: Vũ Quang, Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh; Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam; Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang; Trà Cú thuộc tỉnh Trà Vinh
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT