Địa phương được để lại một phần kết dư quỹ BHYT?
01/04/2014 09:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
"Số kết dư tiền bảo hiểm y tế (BHYT) hằng năm tại các tỉnh cần để lại cho các địa phương đó theo một tỷ lệ nhất định, 60% chẳng hạn, theo Luật BHYT hiện nay và các văn bản hiện có dưới luật này” - ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên phát biểu với PV báo ĐĐK như vậy khi được hỏi về quan điểm lựa chọn phương án xử lý kết dư quỹ BHYT đang được UBTV QH bàn thảo.
Theo ông Tiên, trích quỹ như vậy để động viên các cấp ủy và chính quyền tích cực hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT ở đây mà chủ yếu là phát triển nguồn thu cho quỹ; đồng thời bổ sung kinh phí đầu tư lại cho ngành y tế địa phương cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận tải bệnh nhân đi các tuyến. Bởi phần lớn các địa phương có kết dư quỹ BHYT ở vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên… rất khó khăn. Thậm chí, có thể phải cân nhắc mua ô tô, máy bay trực thăng cấp cứu để có thể đưa các bệnh nhân nặng về tuyến trên cứu chữa kịp thời.
Hiện tượng kết dư quỹ BHYT diễn ra trong những năm gần đây, mỗi năm cả nước có chừng từ 13 - 14 nghìn tỷ đồng. Theo ông Tiên, là do nguồn thu của quỹ phát triển ngày một tăng trong khi nguồn chi được kiểm soát chặt chẽ. Đây là điều đáng mừng, nhưng cũng gây băn khoăn khi kết dư tại một số địa phương nêu trên.
"Tại Điện Biên, nay vẫn có những nơi có đến 60 - 70% ca sản đẻ ở nhà. Có xã dân mua BHYT 100%, lương cán bộ xã có không ít người cao từ 10 triệu đồng trở lên. Nhưng họ không đến khám chữa bệnh BHYT là sao?” - ông Tiên đặt vấn đề. Cả những nơi thuận lợi như thủ đô Hà Nội vẫn có kết dư BHYT. Do số người đóng BHYT cao (hơn 90%), lương của cán bộ cũng cao, kiểm soát chống lạm dụng chi BHYT tốt. Họ cũng cần được hưởng công bằng chứ?
Xung quanh việc xử lý kết dư quỹ BHYT, vẫn có hai luồng ý kiến ngược nhau. Khác quan điểm của ông Tiên, một luồng cho rằng: Nên tập trung kết dư quỹ về trung ương xử lý điều phối chung. Nơi nào khó khăn, có nhu cầu chi tiêu đặt vấn đề, Chính phủ sẽ giải quyết. Có ý kiến nêu nếu địa phương nào không đảm bảo nguồn thu quỹ sẽ phải tự trích ngân sách địa phương chi trả đủ BHYT cho dân.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế lý giải: Ngành y tế đang phân tuyến kỹ thuật, bệnh nhẹ điều trị ở tuyến dưới, bệnh nặng ở tuyến trên. Các BV tỉnh, TƯ khám chữa bệnh cho rất đông bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên. Quan trọng không phải là chi BHYT nhiều hay chi ít mà là chi có đúng người bệnh hay không, có lạm dụng và việc chi đó có hiệu quả cứu người hay không. Nhưng bà Hương lại không đưa ra ý kiến riêng về định hướng xử lý kết dư quỹ BHYT ra sao để đảm bảo công bằng xã hội, mặc dù luật đã quy định như đã nói ở trên được phép để lại cho địa phương một phần từ nguồn kết dư đó.
Nguồn Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT