Quản không nổi giá thuốc
01/04/2014 07:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Muốn quản lý được giá thuốc phải tách bạch người quản lý xuất nhập khẩu, người kê đơn và quản lý giá nhưng Bộ Y tế đang làm một lúc cả 3 nhiệm vụ này dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Hôm nay (1-4), Ủy ban Thường vụ họp, chất vấn Bộ Y tế nhiều nội dung, trong đó có giá thuốc. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3, trong đó yêu cầu bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Dược với Luật Giá theo hướng Bộ Tài chính quản lý nhà nước tổng hợp về giá, hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra việc xác định giá; còn Bộ Y tế quản lý nhà nước chuyên ngành về giá thuốc, quy định cụ thể về giá thuốc.
Như “ngựa bất kham”
Ngay cả khi có Luật Dược 2005 và hàng loạt nghị định, thông tư nhằm quản lý nhưng giá thuốc vẫn như “ngựa bất kham”. Một chuyên gia cho rằng để quản lý giá thuốc chặt chẽ, thay vì ôm đồm một thị trường tới 22.000 mặt hàng thuốc như hiện nay, cơ quan chức năng chỉ nên tập trung siết chặt danh mục thuốc thiết yếu, với khoảng 500 mặt hàng thuốc được người dân thường xuyên sử dụng. “Thuốc có giá cao là những loại thuộc các tập đoàn đa quốc gia, còn thuốc trong nước sản xuất giá quá thấp do có nhiều cạnh tranh. Có những doanh nghiệp dược trong nước bị “đè” tới mức không thể tái đầu tư” - chuyên gia này cho biết.
Thuốc - mặt hàng mà người mua hiếm khi trả giá
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế từng phân trần rằng nguyên tắc quản lý giá thuốc là các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…, cơ quan quản lý không thể sử dụng các biện pháp hành chính để “buộc” giá thuốc đứng yên. Tuy nhiên, lý lẽ này không được các nhà chuyên môn tâm phục. Vì theo quy định, Cục Quản lý Dược phối hợp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá thuốc tại nước sở tại nhằm có căn cứ so sánh với giá trong nước. Yêu cầu này đặt ra từ năm 2006 song đến nay cũng chưa thực hiện được. Quản lý giá thuốc không thể là ai khác mà chỉ có thể là Bộ Y tế bởi bộ này mới nắm được hết ngóc ngách của giá thuốc.
Loay hoay tìm thước đo
PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng việc quản lý giá thuốc không phải là nhiệm vụ riêng của ngành y tế. Cần có những quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý giá thuốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý giá thuốc. Để quản lý giá thuốc tại Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng các chính sách về mặt tài chính liên quan đến quản lý giá thuốc để Bộ Y tế có công cụ, thước đo mà thực hiện. Khi có đủ các công cụ, chắc chắn sẽ quản được giá thuốc. Hơn nữa, Luật Giá cũng quy định Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì về giá.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói thời gian qua, Bộ Y tế có nhiều giải pháp để quản lý giá thuốc nhưng chưa căn cơ, chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Bộ Tài chính cần xây dựng công cụ quản lý giá thuốc và coi đó như một thước đo để Bộ Y tế thực hiện.
Cũng theo ông Truyền, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của thị trường Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 60.000 tỉ đồng. Trong đó, quỹ BHYT chi 28.000 tỉ đồng (gần 50%). Với các cơ chế quản lý giá thuốc vào bệnh viện, chúng ta đã quản lý được 50% số thuốc dùng ở Việt Nam thông qua đấu thầu vào bệnh viện. Hiện đang thiếu công cụ quản lý giá thuốc tại thị trường tự do. Với thị trường này cũng cần quy định thặng số bán lẻ toàn chặng so với giá mua buôn và lẽ ra trách nhiệm này thuộc về Bộ Tài chính.
Để bảo đảm khách quan, minh bạch, nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập Hội đồng Quốc gia quản lý giá thuốc là cần thiết và cần gắn trách nhiệm chủ trì của Bộ Y tế trong “kìm” giá thuốc.
Nhiều loại thuốc thích thì tăng giá!
Tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua có tình trạng thuốc tăng giá được “thanh minh” là do khan hiếm hàng. Điển hình như thuốc Efferalgan Codein (trị giảm đau, hạ sốt). Theo nhiều hiệu thuốc và nhà thuốc bệnh viện, Efferalgan Codein của Pháp từ nhiều tuần nay không có hàng để bán nên đã bị đẩy giá lên cao, ít nhất là 50%-150% ở các nhà thuốc bán lẻ. Nhân viên nhiều hiệu thuốc tư nhân cũng cho biết hơn 2 tuần nay không nhập được Efferalgan Codein trong khi nhu cầu sử dụng cao. Kháng sinh Zinnat 500 mg cũng đang khan hiếm, một số cửa hàng không còn để bán. Thuốc bổ gan Boganic (Traphaco) từ 75.000 đồng đã tăng lên 90.000 đồng/hộp 50 viên. Sản phẩm hỗ trợ điều trị như: Hoạt huyết nhất nhất, viên giải độc gan của Tuệ Linh... giá cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/hộp.
Theo NLĐ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT