Những ngành học dễ và khó xin việc làm nhất ở Việt Nam
16/10/2013 08:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Học ngành phù hợp với sở thích và năng lực bản thân chính là "kim chỉ nam" để dễ xin được việc làm.
Các ngành học như an ninh, cảnh sát, quân đội được bố trí, sắp xếp việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
05 ngành học dễ xin việc làm nhất ở Việt Nam
Ngành kế toán: Kế toán là một nghề dễ kiếm việc làm trong xã hội. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất công nông lâm ngư nghiệp, xây lắp thương mại, dịch vụ, các công ty bảo hiểm chứng khoán, ngân hàng tài chính, các quỹ tài chính, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước,... đều phải có bộ phận và nhân viên kế toán tài chính. Chỉ riêng số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam đã là 500.000 doanh nghiệp. Chưa kể các trường học, bệnh viện, các Bộ, Sở, Cục, các Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới quận, huyện, xã... đều cần có người làm công tác kế toán. Vì thế cơ hội kiếm việc làm của cử nhân chuyên ngành kế toán là khá cao.
Ngành Cảnh sát, an ninh, quân đội: Các ngành học như an ninh, cảnh sát, quân đội,… hấp dẫn nhiều người bởi theo quy định từ lâu, đây là những ngành được bố trí, sắp xếp việc làm ngay sau khi tốt nghiệp mà người học không phải tự xin việc. Đó là chưa kể tới “lợi thế” đặc biệt khác khi trở thành học viên của những trường này là không mất tiền học phí và các khoản sinh hoạt khác. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường (Phó Trưởng phòng Kế hoạch tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ Công an) nhận định: “Trong khi việc làm đang là thách thức với sinh viên tốt nghiệp một số ngành nghề, cả thí sinh và phụ huynh đều thấy yên tâm khi học các trường công an, quân đội. Các em sẽ được phân công công tác căn cứ vào mục tiêu đào tạo và nhu cầu của từng đơn vị”.
Học viện hàng không: Với tính đặc thù riêng nhiều ngành nghề đạo tạo của trường học viện Hàng không đã được nhiều bạn thí sinh quan tâm. Đây là học viện đặc thù chuyên cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành hàng không. Với các chuyên ngành đào tạo như công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông hàng không, quản trị kinh doanh, quản lý hoạt động bay... thì sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm việc tại vị trí như kiểm soát không lưu, phòng thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của trung tâm Quản lý bay, các Hãng hàng không, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng... Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng rộng lớn của ngành hàng không, sự tham gia mạnh mẽ của các hãng hàng không nước ngoài thì cơ hội để kiếm việc làm ngành này là rất cao.
Cử nhân Anh văn: Cử nhân Anh văn có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường từ tiểu học đến đại học và tại các trung tâm dạy Anh ngữ. Hoặc làm phiên dịch trong các công ty, làm thư ký, hướng dẫn viên du lịch, tiếp viên hàng không, dịch thuật; khách sạn... Với thời đại hội nhập, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam thì tiếng Anh càng trở nên quan trọng và cử nhân Anh văn càng có nhiều cơ hội kiếm việc làm.
Cử nhân ngoại ngữ hiếm: Ngoại ngữ “hiếm” là cách mà rất nhiều người hiện nay đề cập đến những ngoại ngữ chưa phổ biến ở Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản... cho đến các thứ tiếng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào… Sau khi tốt nghiệp bạn có nhiều cơ hội được việc làm ở các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các công ty nước ngoài, hướng dẫn viên du lịch hoặc các công việc liên quan đến ngành du lịch.
05 ngành học khó xin việc làm nhất ở Việt Nam
Công nghệ môi trường: Công nghệ môi trường là một chuyên ngành có sự kết hợp đồng bộ cả hai yếu tố nghiên cứu và kỹ thuật. Học chuyên ngành này phải nắm vững các kiến thức chuyên môn bao gồm công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh - lý - hoá học. Nếu chuyên về công nghệ xử lý nước thải, thường có lựa chọn làm việc ở: công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp... Nếu là công nghệ xử lý khí thải thì công việc thiên về: đo đạc chất lượng không khí, đánh giá tác động của môi trường và xử lý không khí ô nhiễm,... Còn nếu hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thì bạn sẽ làm việc với: các công trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhà máy hay các khu đô thị... Thế nhưng, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém cũng như chưa được sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất ít. Vì thế, không ít người tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường phải chấp nhận cảnh thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề đào tạo.
Công tác xã hội: Với định hướng chăm lo An sinh xã hội là mục tiêu hàng đầu thì TPHCM là địa bàn sử dụng nhân lực ngành này rất cao. Ngoài thành phố nhiều tỉnh thành khác cũng đang ráo riết triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội nên nhu cầu nhân lực trong tương lai rất khả quan. Riêng cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở có hơn 40 đơn vị, các cơ sở ngoài công lập là hơn 60 đơn vị. Đó là chưa kể mạng lưới các cơ sở công tác xã hội của các sở ngành, địa phương, trường học, cơ sở y tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong nước, các cơ quan đoàn thể… Thế nhưng, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó khăn trong việc kiếm việc làm phù hợp hoặc thu nhập thấp là điều khá phổ biến.
Chuyên ngành lịch sử, khảo cổ học: Lịch sử chuyên nghiên cứu, bàn luận về những vấn đề trong quá khứ, để từ những kiến thức của quá khứ có thể rút ra những quy luật, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nhà sử học là người nghiên cứu về những vấn đề của quá khứ để từ đó hiểu biết, tạo dựng những sự kiện đã qua, rồi phân tích, đánh giá và chia sẻ những kiến thức mà mình tích luỹ được cho cộng đồng xã hội. Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức. Thế nhưng đối với một nước đang phát triển và chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử thì việc chạy đôn chạy đáo xin việc vẫn không được là điều khá phổ biến. Đặc biệt, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, không ít cử nhân thạc sỹ cũng buộc phải làm các công việc khác để mưu sinh.
Ngành Vật lý học: Ngành Vật lý là một ngành khoa học có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật khác. Tuy nhiên, do nhu cầu và thực tế áp dụng trong cuộc sống, khiến cho ngành này dần bị thất sủng hơn các ngành khác nên dẫn đến tỷ lệ “chọi” và điểm chuẩn không cao. Không ít người tốt nghiệp cử nhân vật lý chia sẻ: "Lương ngành này không cao đâu, nghiên cứu và giảng dạy là chủ yếu nên ai thật sự đam mê khoa học kỹ thuật, thích tìm hiểu thì mới nên theo đuổi". Quả thật khá nhiều cử nhân tốt nghiệp ngành này ra phải làm công việc tạm bợ, trái ngành, học lên cao học để giảng dạy hoặc chuyển hướng học văn bằng 2 cho dễ kiếm việc làm.
Ngành Tâm lý học: Điểm đầu vào thấp, cộng thêm việc chưa rõ sau này ra trường sẽ làm những việc gì đã khiến nhiều sinh viên tâm lý hoang mang, tự ti khi bị đem ra so sánh với sinh viên các ngành học khác. Không ít người đã xin ngừng học, ôn thi tiếp để chuyển ngành, chuyển trường. Một số coi việc học là cách để kiếm được tấm bằng, còn phần lớn thời gian là để đầu tư cho “sở trường” của mình như sale, marketing, viết báo,... Đến khi tốt nghiệp ra trường, tân cử nhân rất chật vật để có được công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Vì việc tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giải quyết các vấn đề trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi,… là điều khá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong thời buổi kinh tế khó khăn này, nhiều cử nhân tâm lý học phải cất tấm bằng đại học và kiếm việc khác để mưu sinh.
Theo ĐVO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT