Doanh nghiệp khó ưu tiên cho lao động nữ

07/05/2014 09:48 AM


Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ. Tuy nhiên, các chính sách được đưa ra cần được nghiên cứu kỹ, phù hợp với điều kiện làm việc thực tế và có thể áp dụng, đi vào cuộc sống.


Các thống kê cho thấy, lực lượng lao động nữ ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng kể từ năm 2006. Tuy nhiên, các chính sách dành cho lao động nữ vẫn rất khó áp dụng vào thực tế.

Nhiều chính sách cho lao động nữ khó khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu không áp dụng thì doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật, còn nếu áp dụng sẽ gây hậu quả trong sản xuất, năng suất lao động giảm, thu nhập người lao động, trong đó có lao động nữ cũng sẽ giảm theo.

Khoản 5, Điều 155, Bộ luật Lao động quy định: “Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương”. Tuy nhiên, xung quanh quy định này đã nảy sinh nhiều vấn đề.

Theo thống kê của Ban nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), tại các doanh nghiệp, số lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít; một số chế độ thai sản như nghỉ 60 phút cho con bú, 30 phút vệ sinh kinh nguyệt bị vi phạm. Ngoài ra, hiện nay phần lớn các cơ sở sử dụng lao động nữ khoán lương theo sản phẩm nên việc lao động nữ nghỉ việc cho con bú đều không được thể hiện trong tiền lương.

Tổng hợp các ý kiến của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Trần Hữu Trọng - Phó Trưởng phòng Lao động, Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa đồng tình với chính sách cho lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian có kinh nguyệt. Chính sách này khó khả thi bởi lẽ, ở nhiều doanh nghiệp hoạt động theo dây chuyền sản xuất, nếu một vị trí nghỉ thì cả dây chuyền sẽ phải dừng lại. Như vậy, sản xuất sẽ đình trệ và doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị: Luật nên quy định rõ số ngày phải thực hiện việc nghỉ trên của lao động nữ ./.

Theo Báo Công thương