Chỉ tổ chức kiểm định được 40 - 60 cơ sở dạy nghề mỗi năm

19/05/2014 07:01 AM


Mỗi năm, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH chỉ tổ chức kiểm định được 40 - 60 cơ sở dạy nghề. Số lượng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cần được kiểm định còn rất lớn.


Kiểm định chất lượng là một công cụ hữu hiệu bảo đảm chất lượng đào tạo nghề. Kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm đánh giá, xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề, một mặt, giúp các cơ sở dạy nghề tự đánh giá và hoàn thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng; mặt khác, giúp cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề đánh giá, qua đó công bố với xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở dạy nghề để người học và xã hội biết được thực trạng chất lượng đào tạo và giám sát. Kết quả kiểm định cũng là cơ sở giúp các cơ quan quản lý các cấp có chính sách phù hợp để phát triển dạy nghề.

Tuy nhiên, Luật Dạy nghề hiện hành quy định hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tiễn 6 năm triển khai thực hiện cho thấy mô hình chỉ có cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề không đáp ứng được nhu cầu tiến độ kiểm định chất lượng, không khuyến khích được xã hội hóa hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề. Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH mới chỉ tổ chức kiểm định chất lượng đối với cơ sở dạy nghề (chưa triển khai được đối tượng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo), nhưng số lượng cơ sở dạy nghề đã được kiểm định còn rất ít so với tổng số cơ sở dạy nghề hiện có (112 cơ sở, chiếm tỷ lệ 8,72% trong tổng số 1.285 cơ sở dạy nghề). Mỗi năm, Tổng cục Dạy nghề chỉ tổ chức kiểm định được 40 - 60 cơ sở dạy nghề. Số lượng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cần được kiểm định còn rất lớn.

Để giải quyết thực trạng trên, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề được Bộ LĐ-TB&XH trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đề nghị bổ sung quy định theo hướng mở rộng tổ chức được phép thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề. Theo đó, việc kiểm định chất lượng dạy nghề không chỉ được thực hiện bởi các tổ chức kiểm định do nhà nước thành lập mà còn cả các trung tâm kiểm định do các tổ chức, cá nhân khác thành lập. Các trung tâm kiểm định này chỉ được phép hoạt động kiểm định chất lượng sau khi đã có giấy phép hoạt động. Việc quy định cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề độc lập của các tổ chức, cá nhân nhằm tạo điều kiện để thực hiện xã hội hóa, bảo đảm tính khách quan trong hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

Mặt khác, theo Luật hiện hành, kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề mới chỉ đánh giá, công nhận những điều kiện chung đảm bảo chất lượng của cơ sở dạy nghề. Nhưng trên thực tế, mỗi cơ sở dạy nghề đào tạo nhiều nghề và các điều kiện để tổ chức đào tạo của từng nghề là khác nhau. Do vậy, để đảm bảo chất lượng dạy và học của từng chương trình đào tạo, đáp ứng được mục tiêu, dự thảo luật bổ sung quy định phải kiểm định chương trình đào tạo. Nghĩa là, phải kiểm định tất cả các điều kiện đảm bảo chất lượng cho một chương trình đào tạo cụ thể bao gồm: Nhà giáo, chương trình, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, hệ thống quản lý chất lượng, cách thức đánh giá, các dịch vụ phục vụ người học... Các điều kiện này phải đảm bảo theo chương trình đào tạo và sẵn sàng để đào tạo.

Theo NLĐO