Việt Nam quản lý giá thuốc chặt so với các nước trong khu vực
17/06/2014 04:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11-6, “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu, giải trình thêm về vấn đề quản lý giá thuốc.
Bộ trưởng cho biết, trong hai năm qua, Bộ Y tế quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc bằng Thông tư 01 và sau này đổi thành Thông tư 36, 37. Điểm mới của thông tư này là đã phân chia thuốc thành những nhóm giúp cho việc đấu thầu công khai, minh bạch hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng cho biết, hiện trên thế giới và trong nước phân thành hai loại thuốc. Một là thuốc do ngân sách nhà nước chi trả và thuốc trên thị trường không thuộc ngân sách nhà nước chi trả. Các nước trên thế giới chỉ quản lý đối với thuốc do ngân sách chi trả, còn thuốc ngoài thị trường thì để quy luật thị trường chi phối. Việt Nam quản lý cả hai loại thuốc.
Hiện nay, Việt Nam quản lý khoảng 900 hoạt chất và khoảng hơn 10.000 loại thuốc với thuốc thuộc ngân sách chi trả và khoảng 1.500 hoạt chất và 22.000 loại thuốc với thuốc trên thị trường. Trong khi các nước đối với thuốc bảo hiểm, ngân sách chi trả chỉ quản lý 500 tới 700 hoạt chất.
“Cách quản lý như vậy theo chúng tôi hiện nay là khá chặt so với các nước trong khu vực, vì chúng ta vẫn quản cả thuốc ngoài thị trường. Đương nhiên giữa các hiệu thuốc với nhau có cạnh tranh, không thể giống nhau. Chúng ta cho giao động xung quanh một biên độ giá, phải kê khai và có tổ quản lý liên ngành thị trường quản lý.” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ cách thức quản lý như vậy đã đem lại kết quả tích cực. Chi phí thuốc do bảo hiểm y tế (BHYT) giảm 20-35% và thuốc Việt Nam được sử dụng trong nước tăng lên gần gấp đôi. Qua báo cáo nhanh của một số Sở y tế, giá trúng thầu theo quy định mới cho thấy kết quả tốt. Kết quả đấu thầu của Sở y tế Quảng Ngãi giảm 24%, tiết kiệm khoảng 28 tỷ đồng, Sở y tế Quảng Ninh giảm 20%, tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng, Sở y tế Hà Tĩnh 25% tiết kiệm khoảng 32 tỷ đồng, Sở y tế Hậu Giang tiết kiệm khoảng 57 tỷ đồng...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết lần đầu tiên từ lúc thực hiện Luật BHYT thì tỷ lệ tiền thuốc chi trong tổng số chi BHYT đã giảm từ 20-35%. Trước đó Việt Nam là một trong nước tỷ lệ có tổng chi phí của BHYT cho thuốc là khá cao.
Nói về thực trạng giá thuốc ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ kế hoạch và Đầu tư năm 2013: Mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45% thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ 9 trên 11 nhóm hàng. 4 tháng đầu năm 2014 mức tăng là 0,74% so với chỉ giá tiêu dùng là 0,88%. “Như vậy, mặc dầu mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng cũng luôn đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong xếp hạng CPI” Bộ trưởng chỉ ra.
Đối với các nước xung quanh Bộ Y tế cũng đã tổ chức một đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các chuyên gia đi khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở 2 nước Trung Quốc và Thái Lan. Kết quả cho thấy, giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần, thấp hơn của Thái Lan là 2 đến 3 lần.
Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ: “Trong Luật Dược sắp tới, Bộ Y tế mong muốn Bộ Y tế không nên quản lý giá. Bởi vì vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc mà thuốc người bệnh không thể mặc cả được đối với ngoài thị trường. Còn như vậy thì vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Theo QĐNDO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT