Một số nội dung sửa đổi chế độ bảo hiểm hưu trí trong Dự thảo Luật BHXH
25/06/2014 02:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
KHÁI QUÁT
1. Một số sửa đổi về chế độ bảo hiểm hưu trí trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật), được thể hiện trong các Điều khoản của Mục 4 chế độ hưu trí thuộc chương III BHXH bắt buộc và một số quy định thuộc Chương V Quỹ BHXH của Dự thảo Luật. Mục tiêu của các sửa đổi trong chính sách này nhằm hướng tới giải quyết các bất cập nảy sinh khi thực hiện các quy định về bảo hiểm hưu trí của Luật BHXH hiện hành, theo đó khi thực hiện các sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu sau: (1) Tuân thủ tốt hơn các nguyên tắc cơ bản về BHXH; (2) Đáp ứng mục tiêu An sinh xã hội về quyền tham gia cũng như quyền thụ hưởng BHXH của người lao động; (3) Tạo được sự công bằng hơn trong việc tham gia cũng như mức thụ hưởng của người lao động tham gia BHXH trên cơ sở giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa các đối tượng tham gia thuộc các khu vực kinh tế khác nhau, giữa khu vực dân sự và quốc phòng; (4) Lồng ghép tốt hơn vấn đề bình đẳng giới trong chế độ hưu trí; (5) Thiết lập được sự cân bằng mới nhằm duy trì sự ổn định của Quỹ BHXH trong dài hạn; (6) Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các quy định này.
2. Kết cấu của chế độ hưu trí trong dự thảo Luật được quy định tại Mục 4 thuộc Chương III. BHXH bắt buộc bao gồm 13 điều, từ Điều 52 đến Điều 64; và Quỹ BHXH được quy định tại Chương V gồm 11 điều, từ Điều 82 đến Điều 92. Các quy định được thiết kế tại các chương này vẫn tuân thủ hai đặc điểm cơ bản của Luật hiện hành đó là:
(1) Về đối tượng điều chỉnh bao gồm mọi người lao động có quan hệ lao động được hưởng lương ở cả khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước, người lao động làm việc thuộc cả khu vực dân sự và lực lượng vũ trang;
(2) Về cơ chế tài chính BHXH vẫn vận hành theo cơ chế đóng hưởng với mức hưởng xác định (PAYG). Hai đặc điểm cơ bản trên sẽ chi phối tới việc thiết kế các quy định về chính sách BHXH hưu trí mà ở đó để đảm bảo nguyên tắc công bằng về điều kiện và mức hưởng chế độ hưu trí đối với mọi đối tượng sẽ chỉ thực hiện được theo hướng giảm dần sự chênh lệch, tiến tới sự hợp lý và công bằng hơn về mức hưởng giữa các đối tượng. Vì vậy, các quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí cần điều chỉnh theo một lộ trình nhất định để khắc phục dần bất cập vốn có của đặc điểm này. Mặt khác, cơ chế tài chính PAYG luôn tiềm ẩn sự mất cân đối về quỹ hưu trí trong dài hạn. Một số thay đổi trong thiết kế nhằm kéo dài tuổi thọ của quỹ trong dài hạn cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Khi đã lập được một sự cân đối về quỹ do thay đổi một số các tham số (tăng mức đóng, giảm mức hưởng, tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng diện bao phủ, tăng độ tuân thủ, giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động đầu tư từ quỹ…) thì trong tương lai vẫn sẽ đối mặt sự mất cân đối mới của quỹ. Nhận diện được đặc điểm này để việc thiết kế sẽ chủ động hơn khi lựa chọn các giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện của đất nước.
MỘT SỐ SỬA ĐỔI CÒN TRANH LUẬN
Tuổi đời hưởng lương hưu quy định tại Điều 53
Nội dung sửa đổi này là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần một số nhóm đối tượng theo một lộ trình cụ thể, theo đó:
(a) Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, người lao động làm việc tại các nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên và người lao động thuộc lực lượng vũ trang vẫn như quy định hiện hành (Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 53);
(b) Đối với các nhóm đối tượng khác: theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 của Dự thảo Luật chỉ ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho từng nhóm đối tượng. Theo đó, từ năm 2016 trở đi tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng 04 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Với quy định này, thì nữ cán bộ công chức, viên chức có năm sinh từ 1961 trở đi và nam có năm sinh từ năm 1956 trở đi sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể:
Nữ có năm sinh 1961 sẽ có tuổi hưởng lương hưu là 55 tuổi 04 tháng (khoảng thời gian nghỉ hưu sẽ từ 5/2016 đến 4/2017 tùy thuộc vào tháng sinh).
Nữ có năm sinh 1962 sẽ có tuổi hưởng lương hưu là 55 tuổi 08 tháng, với phương thức điều chỉnh này thì sau 15 năm tức là nữ có năm sinh 1976 trở đi sẽ có tuổi đời hưởng lương hưu là 60 tuổi. Như vậy, từ năm 2031 trở đi nữ thuộc đối tượng này sẽ có tuổi đời hưởng lương hưu là 60 tuổi.
Tương tự nam có năm sinh 1956 sẽ có tuổi hưởng lương hưu là 60 tuổi 4 tháng (khoảng thời gian nghỉ hưu sẽ từ 05/2016 đến 04/2017 tùy thuộc vào tháng sinh). Và quá trình điều chỉnh tăng tuổi sẽ kết thúc sau 06 năm tương ứng với nam sinh từ năm 1961 trở đi và sẽ có tuổi hưởng lương hưu đạt 62 tuổi.
Đối với nhóm đối tượng còn lại, việc điều chỉnh tăng tuổi đời hưởng lương hưu sẽ được thực hiện từ năm 2020, có nghĩa là lao động nữ có năm sinh từ năm 1965 trở đi và lao động nam có năm sinh từ năm 1960 trở đi sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh tăng tuổi đời hưởng lương hưu. Theo đó, những người có năm sinh 1980 trở đi đối với nữ và 1965 trở đi đối với nam sẽ có tuổi đời hưởng lương hưu là 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Và vào năm 2035, nữ thuộc nhóm đối tượng này mới đạt tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi, nam đạt 62 tuổi vào năm 2026.
Như vậy, với phương thức điều chỉnh tăng tuổi trên không tạo nhiều sự biến động lớn trong thị trường lao động, có độ trễ nhất định về thời gian để các đối tượng điều chỉnh chuẩn bị về tâm lý và cũng là phương thức điều chỉnh tăng tuổi của nhiều nước đã thực hiện ( nước Ý thực hiện tăng tuổi năm 1994 theo phương thức 02 năm tăng một tuổi cho tới khi nam đạt 65, nữ đạt 60; nước Anh, việc tăng tuổi thực hiện vào năm 2002 và năm 2010 theo phương thức mỗi năm tăng 06 tháng tuổi…).
Tác động điều chỉnh này lên thị trường lao động là không lớn, bởi với phương thức điều chỉnh mỗi năm chỉ điều chỉnh tăng 04 tháng tuổi, mà trong 04 năm đầu tiên mới điều chỉnh tăng tuổi ở khu vực công thuộc khối công chức, viên chức trong khi lực lượng lao động hiện nay mỗi năm tăng trên 680.000 người và từ năm 2019 đến năm 2029, mức tăng hàng năm chỉ còn trên 360.000 người năm, LLLĐ không tăng vào giai đoạn 2029 - 2039 và ổn định ở mức trên 62 triệu lao động cũng là giai đoạn kết thúc lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
(c) Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của chính phủ. Quy định này phù hợp với Khoản 2 Điều 187 của Bộ luật Lao động (Khoản 5 Điều 50).
Tại một số nước quy định này được thể hiện bằng Điều khoản với tiêu đề các nhóm chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc đặc biệt như ở Anh bao gồm các nhóm: các công chức cao cấp thuộc các bộ, các cơ quan hành pháp; Ở Tây Ban Nha, bao gồm các nhóm quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên bảo vệ nhân dân có tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, các thẩm phán, các ủy viên công tố là 70 tuổi, các giáo sư đại học tuổi nghỉ hưu từ 65-70 tuổi, các viên chức, công chức của Nghị viện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, họ có thể nghỉ hưu ở tuổi 60 khi đã có 35 năm làm việc.
Đã có nhiều bình luận về lý do sự cần thiết về tăng tuổi nghỉ hưu khi thiết kế quy định này trong dự thảo Luật. Đây là nhận định, phân tích có cơ sở song khi thực hiện sẽ là những thách thức không nhỏ bởi phần lớn người lao động chưa thật đồng tình và là thực trạng chung của mọi nước khi tiến hành việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là người lao động trong khu vực sản xuất.
Ngược dòng lịch sử, sửa đổi này có thể được coi là lần thứ hai thực hiện việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở nước ta. Giai đoạn 1945 – 1960 tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và công nhân được tính là 55 tuổi theo quy định của Sắc lệnh 54/SL ngày 03/11/1945 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950. Sau 15 năm, tức là giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1994 tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 42 của Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 là Nam tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi và Nữ là 55 tuổi. Và quy định này được duy trì cho tới hiện nay. Như vậy, cho đến nay phải sau 55 năm, tuổi nghỉ hưu của người lao động Nam và sau 70 năm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới được đặt ra để điều chỉnh.
Việc điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu, trong tương lai vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện với tuổi nghỉ hưu sẽ cao hơn trong dự thảo Luật, đây là bước đi tất yếu. Quan trọng là xác định được lộ trình thực hiện phù hợp và chuẩn bị tốt tâm lý cho người lao động.
2. Mức lương hưu hàng tháng theo quy định tại Điều 55 được điều chỉnh tạo sự hợp lý hơn giữa đóng và hưởng, công bằng hơn giữa các đối tượng thụ hưởng nam và nữ
Mức lương hưu hàng tháng được thiết kế tại Điều 55 của Dự thảo Luật, theo hướng :
- Không thay đổi đối với những người nghỉ hưu trước năm 2016 (Khoản 1 Điều 55) . Mức hưởng lương hưu được xác định theo công thức:
Đối với nam:
Lh(N) = [45%+ 2%(n-15) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với nữ :
Lh(n) = [45%+ 3%(n-15) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỷ lệ thay thế tối đa không vượt quá 75%.
- Mức hưởng được điều chỉnh đối với những người nghỉ hưu kể từ năm 2016 trở đi ( khoản 2 Điều 55) theo lộ trình sau:
Năm 2016.
Công thức tính lương hưu đối với nam:
Lh(N) = [45%+ 2%(n-16) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 31.
Công thức tính lương hưu đối với nữ:
Lh(n) = [45%+ 3%(n-16) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 26.
Năm 2017
Lh(N) = [45%+ 2%(n-17) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 32.
Công thức tính lương hưu đôi với Nữ:
Lh(n) = [45%+ 3%(n-17) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 27.
Năm 2020 đến năm 2030
Công thức tính lương hưu đối với Nam :
Lh(N)= [45%+ 2%(n-20) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 35.
Lh(n)= [45%+ 3%(n-20) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Năm đạt tỷ lệ thay thế 75% là năm thứ 30.
Kể từ năm 2031 trở đi
Công thức tính lương hưu đối với Nam và nữ là như nhau:
Lh= [45%+ 2%(n-20) ]*mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- Tại Khoản 3 quy định về tỷ lệ giảm đối với người nghỉ hưu trước tuổi theo đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Với các quy định nêu trên được thiết kế sao cho những thay đổi không gây những ảnh hưởng lớn tới mức thụ hưởng và được thực hiện theo một lộ trình tương đối phù hợp. Theo đó đảm bảo sự hợp lý hơn giữa đóng và hưởng BHXH, đảm bảo sự bình đẳng hơn trong trong việc tham gia cũng như thụ hưởng giữa nam và nữ.
Thiết kế trên sẽ có tác động nhất định đến quyền lợi của người nghỉ hưu từ năm 2016 trở đi, theo đó mỗi năm lương hưu giảm 2% và sau khi kết thúc điều chỉnh thì người về hưu từ năm 2020 trở đi sẽ giảm 10% so với quy định hiện hành. Tuy nhiên khi thực hiện quy định tại Điều 89 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, thì mức lương hưu sẽ được cải thiện hơn so với quy định hiện hành mặc dù có sự điều chỉnh như trên.
3. Điều chỉnh quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần tại Điều 61
Số năm để tính mức bình quân tháng đóng BHXH dùng để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tăng dần theo một lộ trình tiến tới thống nhất về cách tính đối với mọi đối tượng tham gia đã đáp ứng cơ bản tính công bằng về quyền thụ hưởng của mọi đối tượng. Theo đó:
Đối với người hưởng lương theo chế độ tiền lương nhà nước thì số năm tính mức bình quân tăng lên 10 năm cuối đối với người tham gia BHXH bắt đầu từ 01/12007 đến 30/06/2015 lên đến toàn bộ thời gian đóng đối với người tham gia BHXH từ 01/07/2015 trở đi (Điểm d, đ Khoản 1 Điều 61).
Quy định này là một sự điều chỉnh đáng kể trong việc tính lương hưu. Thiết kế quy định này trên nguyên tắc không làm thay đổi cách tính về mức hưởng của những người tham gia BHXH trước khi Luật này có hiệu lực và chỉ thực sự tác động đối với những người bắt đầu tham gia BHXH của khu vực công khi Luật này có hiệu lực.
Cuộc cải cách về BHXH ở Ý từ năm 1992 cũng đi theo tiến trình này, theo đó cũng thực hiện các điều chỉnh như tăng dần tuổi nghỉ hưu (nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi vào năm 2000); kéo dài thời gian tham chiếu trên cơ sở đồng nhất cách tính lương hưu cho khu vực công và khu vực tư đối với người mới tham gia BHXH từ 01/01/1993 được tính cho toàn bộ thời gian đóng BHXH mà trước đó được tính là 10 năm, không còn phân biệt cách tính này cho 02 khu vực; giảm dần tỷ lệ thay thế và chỉ số hóa mức lương hưu hàng năm phù hợp với sự biến động của giá cả.
Như trên đã phân tích với điều chỉnh này sẽ tạo sự bình đẳng, công bằng hơn trong việc thụ hưởng đối với người lao động làm việc ở các khu vực kinh tế khác nhau và sẽ tạo được sự thu hút tốt hơn đối với khu vực ngoài nhà nước trong việc tham gia, tuân thủ BHXH theo pháp luật.
4. Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89
Quy định này được thiết kế thành 3 khoản như quy định tại Điều 94 của Luật BHXH hiện hành. Nội dung bổ sung mới liên quan tới khoản 2 Điều này. Đó là:
“Đối vớí người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức tiền lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động ghi trên hợp đồng lao động”.
Quy định có tác động mạnh mẽ tới khu vực kinh tế ngoài nhà nước, theo đó người lao động sẽ được nhận mức thụ hưởng cao hơn trước, khắc phục được tình trạng lách luật của người sử dụng lao động trong đóng BHXH do vậy mức hưởng lương hưu của người lao động sẽ không còn quá chênh lệch so với mức lương hưởng trước khi nghỉ hưu.
Một cách tính đơn giản nếu người lao động đóng hàng tháng với mức đóng tối thiểu bằng 22% * Lm (2013) = 253.000 đ/th trong 20 năm, thì mức lương hưu nhận được vào khoảng 1,29 triệu đ/th. Nếu tiền lương đóng BHXH được đóng theo quy định trên với mức đóng theo thu nhập tháng, giả định là 506.000 đ/tháng và cũng đóng trong 20 năm thì lương hưu của người lao động vào khoảng trên 2,5 triệu đ/th. Sự điều chỉnh này thực sự sẽ cải thiện đáng kể mức lương hưu của người lao động đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, đối với người sử dụng lao động sẽ là một thách thức không nhỏ. Việc đóng BHXH theo tiền lương tháng quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động là hợp lý. Song do từ trước người sử dụng lao động tại khu vực này thường đóng mức thấp hơn (khoảng 70%) tiền lương tháng thực tế, nên với quy định này người sử dụng lao động sẽ đóng hàng tháng với mức đóng cao hơn trước và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động tài chính. Điều này đòi hỏi người sử dụng lao động cần có nhận thức đúng về vấn đề này cũng như có sự tính toán và bố trí sản xuất một cách hợp lý hơn. Việc quy định từ 01/01/2018 mới áp dụng quy định này là một khoảng thời gian hợp lý để doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Độ trễ về thời gian này sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện chấn chỉnh lại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhận thức đúng hơn để tuân thủ một cách nghiêm túc việc đóng BHXH theo quy định mới.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
1. Các quy định nêu trên trong dự thảo Luật là những sửa đổi rất cơ bản của chính sách bảo hiểm hưu trí và có tác động trực tiếp đến người lao động và chủ sử dụng lao động. Liên quan tới việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ sẽ có thách thức lớn đến người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp. Quy định chung có thể thể hiện như dự thảo Luật, tuy nhiên có thể ở văn bản dưới luật cần tính tới một lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp hơn cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giầy….
Phương thức điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ có thể điều chỉnh 02 năm tăng một tuổi thay vì một năm tăng 04 tháng như dự thảo sẽ phù hợp hơn khi tuổi hưu của nam chỉ điều chỉnh tăng 02 tuổi so với quy định hiện hành.
2. Tham khảo kinh nghiệm một số nước, ngoài việc quy định tuổi nghỉ hưu chung, tuổi nghỉ hưu cho một số trường hợp đặc biệt như đã nêu ở trên, họ có điều khoản quy định thêm trường hợp tuổi bắt đầu nghỉ hưu không có điều kiện về tuổi nếu như họ có khoảng thời gian đủ dài đã đóng BHXH. Thí dụ ở Ý, với người đã đóng 40 năm BHXH trở lên họ có thể về hưu trước tuổi quy định không bị giảm trừ nếu có nguyện vọng. Quy định này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người có quá trình đóng nhiều năm BHXH.
3. Cân nhắc thêm thời điểm thực hiện các điều chỉnh trên cho phù hợp với tiến trình cải cách tiền lương đang thực hiện. Có thể cân nhắc thêm liên quan tới năm thực hiện áp dụng các quy định này vào năm 2016 như Dự thảo Luật (Khoản b Điều 53, khoản 2 Điều 55…) sẽ được thực hiện vào năm 2018 phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương cũng như có một độ trễ cần thiết về thời gian để các chủ thể tham gia BHXH có sự chuẩn bị tốt về tâm thế cũng như các điều kiện cần thiết khác khi áp dụng./.
TS. Phạm Đỗ Nhật Tân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT