Quốc hội thảo luận dự án Luật BHXH (sửa đổi): Nhiều vấn đề được quan tâm
20/06/2014 08:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 16/6, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đã có 16 đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó chủ yếu tập trung vào các nội dung đang được quan tâm như: Tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; bổ sung chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH; xác định mức chi phí quản lý Quỹ BHXH; xử lý các hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH…
Bà Cù Thị Hậu Đại biểu Quốc hội (Hưng Yên)
Trao công cụ thực hiện nhiệm vụ
Theo Báo cáo tổng hợp thảo luận ngày 29/5 ở Tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với đề nghị mở rộng thẩm quyền của BHXH Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý hành chính các vi phạm pháp luật về BHXH không chỉ trong nội dung đóng và hưởng BHXH. Về chi phí quản lý BHXH, đa số đại biểu đồng ý phương án của Ủy ban Về các vấn đề xã hội giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức chi phí quản lý. Tuy nhiên, một số đại biểu không tán thành quy định mức tối đa không quá 3% mức thu BHXH với lo ngại khi mở rộng đối tượng, tăng thu thì số tiền tính theo tỉ lệ này sẽ rất lớn; có đại biểu đề xuất có lộ trình quy định cụ thể mức chi quản lý BHXH tối đa không vượt quá 3% số thu BHXH, nhưng sẽ giảm xuống còn không quá 2,5% từ năm 2020…
Một điểm “nóng” khác trong dự Luật lần này là nội dung tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ và đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động; một số nhất trí tăng tuổi nhưng đề nghị phải cân nhắc kỹ lộ trình.
Đối với quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đa số đại biểu tán thành mở rộng BHXH bắt buộc với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng: Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với xu hướng ngày càng tăng với số nợ tiền rất lớn. Do đó, cần phải có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Trong điều kiện lực lượng thanh tra của ngành LĐ-TB&XH không đủ điều kiện để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với DN nợ đọng BHXH, cần giao quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH cho cơ quan BHXH. Cùng với đó, BHXH là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài chính rất lớn, liên quan đến an sinh xã hội, do vậy không nên xem BHXH Việt Nam là tổ chức sự nghiệp đơn thuần như các tổ chức y tế, giáo dục mà cần quy định đây một tổ chức tài chính có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác, nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH. “Cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền thanh tra cho tổ chức BHXH trên cơ sở đảm bảo đồng bộ với Luật Thanh tra”- đại biểu Hạnh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, BHXH Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ, là tổ chức đan xen cả sự nghiệp và quản lý nhà nước, không phải đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện cả các dịch vụ công đặc biệt… Do đó, Khoản 1, Điều 93 của dự thảo Luật cần quy định tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện chế độ chính sách BHXH, quản lý Quỹ BHXH theo quy định của pháp luật. “Đồng thời, sửa Khoản 3, Điều 21 dự thảo Luật BHXH giao cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH. Điều này không mâu thuẫn với Luật Thanh tra”, đại biểu Quyết kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận định: Theo Nghị định 05/2014 của Chính phủ thì BHXH được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ, không có chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng không quy định là đơn vị sự nghiệp. Vì vậy vấn đề ở đây cần xác định rõ vị trí của BHXH Việt Nam trong khi BHXH đang thực hiện một chức năng rất quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của 3 Bộ nhưng chức năng thanh tra chuyên ngành lại chỉ có giao cho Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính. Ông Cương đề nghị: “BHXH là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không có chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên để đáp ứng tình hình thực tế thì việc giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho BHXH là cần thiết và đây cũng là sự vận dụng đối với Luật Thanh tra”.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến đồng ý trao chức năng thanh tra cho ngành BHXH thì vẫn còn một vài đại biểu băn khoăn. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã có thanh tra ngành Lao động, Tài chính, Y tế, nếu thêm thanh tra BHXH sẽ gây chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ và tăng bộ máy, tăng kinh phí. Cùng với đó, thực tiễn cho thấy phần lớn đơn vị sự nghiệp đều thuộc cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có BHXH. Nếu giao nhiệm vụ thanh tra cho BHXH cũng có nghĩa là đặt đơn vị này ở vị trí ngang với cơ quan quản lý nhà nước.
Chi quản lý từ lãi tăng trưởng Quỹ BHXH
Về chi phí quản lý BHXH, các đại biểu cho rằng Quỹ BHXH do NLĐ và người SDLĐ đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH và giao Chính phủ trình UBTVQH quyết định cụ thể trong từng thời kỳ cho phù hợp, khả thi, tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo cho ngành BHXH hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng), để việc xác định chi phí quản lý BHXH đơn giản, chặt chẽ, chính xác, đầy đủ, có sự giám sát của các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; đồng thời tạo điều kiện cho ngành BHXH chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý quỹ BHXH thì chi phí cho bộ máy quản lý phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nhấn mạnh: Quỹ BHXH do NLĐ và người SDLĐ đóng góp nên chi phí phải lấy từ nguồn khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH. Tôi đề nghị nên giao cho Chính phủ định kỳ báo cáo với UBTVQH quyết định phù hợp với nhiệm vụ của BHXH trong từng giai đoạn, trên cơ sở đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý.
Băn khoăn về tuổi nghỉ hưu
Về điều kiện hưởng lương hưu, ý kiến nhiều đại biểu không đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo Luật. Theo bà Cù Thị Hậu, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động. Đây là bộ luật gốc để điều tiết các đối tượng hoạt động. Do đó, để thống nhất nên thực hiện tuổi nghỉ hưu theo Điều 187 Bộ luật Lao động. Với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, Chính phủ có thể quyết định và có thể tăng tuổi lên một số đối tượng theo Khoản 3, Điều 187.
Tham gia phiên họp với tư cách đại diện Ban soạn thảo dự Luật, bà Phạm Thị Hải Chuyền- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã giải trình một số nội dung mà đại biểu còn băn khoăn. Theo đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ có ký HĐLĐ dưới 3 tháng để phòng ngừa tình trạng một số DN lách luật như hiện nay, không ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên để trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã xác định phấn đấu đến năm 2020, 50% NLĐ được tham gia BHXH, nên nếu không mở rộng đối tượng thì khó đạt mục tiêu trên. “Mở rộng đối tượng này được hai việc, thứ nhất là họ được đảm bảo quyền lợi, họ có thể làm cho DN được 3 tháng, được đóng BHXH. Sau đó có thể nghỉ 1 năm rồi lại đi làm tiếp và vẫn được cộng nối thời gian đóng BHXH. Thứ hai, các DN cũng không thể lách luật để làm thiệt hại cho NLĐ”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyển khẳng định.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng Chuyền, điều này đã cũng tính trên nguyên tắc đảm bảo ổn định và trách nhiệm lâu dài đối với Quỹ BHXH nên ban soạn thảo đã có dự kiến phương án như lộ trình trong dự thảo Luật mà các đại biểu đã phân tích. Do đó, việc các đại biểu kiến nghị thực hiện tuổi nghỉ hưu theo Điều 187 Bộ luật Lao động thì hiện nay, Khoản 3, Điều 187 đã được Chính phủ hướng dẫn những người có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao thì được kéo dài tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ. Chính phủ cũng chuẩn bị xây dựng Nghị định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với những NLĐ là nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Vì vậy, ban soạn thảo xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tiếp tục nghiên cứu để thực hiện Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động một cách cụ thể hơn.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Đa số đại biểu thống nhất các nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật; nhất trí với việc mở rộng đối tượng, áp dụng Luật BHXH bắt buộc; nhất trí sửa các chính sách BH hưu trí hàng tháng; mở rộng chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời đề nghị công bố công khai và có chính sách, có sự hỗ trợ từ NSNN để bảo đảm đóng BHXH và góp phần vào việc thực hiện chính sách BHXH đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã; quan tâm hỗ trợ NLĐ là nông dân tham gia BHXH.
Tại buổi thảo luận đã có 14/16 ý kiến phát biểu đã nhất trí cần khẳng định cơ quan BHXH là cơ quan trực thuộc Chính phủ có chức năng thực hiện nhiệm vụ BHXH như ghi trong dự thảo. Từ đó, bổ sung quy định về quyền thanh tra của BHXH Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cần có những quy định về xử lý những vi phạm nợ đọng và không nộp BHXH, có chế tài với những hành vi trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Bên cạnh đó, cần có quy định bổ sung xử lý vi phạm, trốn BHXH trong Bộ luật Hình sự. Riêng nội dung nâng tuổi nghỉ hưu, vì đa số đại biểu không đồng tình nên cần có chính sách trong việc quản lý Quỹ BHXH tốt hơn, để đảm bảo điều hòa các nội dung liên quan.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT