BHXH Việt Nam góp ý quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ-BNN

26/08/2019 05:00 PM


BHXH Việt Nam vừa có công văn tham gia dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phúc đáp Công văn số 2762/LĐTBXH-ATLĐ ngày 11/7/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ BHTNLĐ-BNN.

(ảnh minh họa)

 

Theo đó, căn cứ Báo cáo số 1029/BC-BHXH ngày 02/4/2019 của BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2018, kết dư quỹ BHTNLĐ-BNN đến cuối năm 2018 là 40.249 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy quỹ BHTNLĐ-BNN còn được cân đối trong dài hạn. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tính toán cơ sở của việc điều chỉnh mức đóng.

Về quy định các điều kiện để được áp dụng mức đóng thấp hơn tại các Điểm a, b, d Khoản 1 và các điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định chỉ là các điều kiện liên quan, không phải là các điều kiện chính, phù hợp để được áp dụng mức đóng thấp hơn. BHXH Việt Nam nêu rõ, tại điểm a, điểm b Khoản 1 quy định: “a) Không vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và không vi phạm về đóng BHXH từ mức bị xử phạt vi phạm hành chính trở lên trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất ,“b) Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;”. Theo đó, các trường hợp này nếu vi phạm thì theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có thầm quyền, người sử dụng lao động vi phạm phải khắc phục hậu quả vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật, không liên quan đến việc làm căn cứ để điều chỉnh mức đóng.

Tại điểm d Khoản 1 Điều 5 quy định: “d) Giảm 50% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm liền kề trước năm đề xuất so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm liền kề của năm đề xuất, đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hoặc không để xảy ra tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất, đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức khác;”. Theo đó, việc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) phát sinh trong thực tiễn cơ bản xuất phát từ nguyên nhân khách quan, cả người sử dụng lao động và người lao động đều không mong muốn.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng cho biết, việc quy định điều kiện như trên để được áp dụng mức đóng thấp hơn, dẫn đến các ngành, nghề có nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao thường không được áp dụng mức đóng thấp hơn; do đó, chưa phù hợp với nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia. BHXH Việt Nam cho rằng, cần thiết rà soát, tính toán lại cả về điều kiện áp dụng mức đóng thấp hơn và tính toán mức đóng cho phù hợp, sát thực tiễn.

Đối với việc quy định việc thẩm định, đánh giá và ban hành quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng mới thấp hơn mức đóng bình thường sẽ tạo ra khối lượng công việc rất lớn và tập trung ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,.. (ví dụ: chỉ tính riêng khối doanh nghiệp thì hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng gần 200.000 doanh nghiệp; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 200.000 doanh nghiệp); theo đó, cần thiết có đánh giá tác động và tính khả thi trong việc thẩm định, đánh giá và ban hành quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng mới thấp hơn.

Được biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ được Ban soạn thảo đề xuất có 5 chương, với 15 điều (tăng 11 điều so với Nghị định số 44/2017/NĐ-CP). Theo đó, dự thảo Nghị định quy định đối tượng bao gồm các đối tượng là: Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH; Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đánh giá về an toàn, vệ sinh lao động.

Trong đó, Điều 3 dự thảo Nghị định quy định lại việc điều chỉnh mức đóng từ người sử dụng lao động vào Quỹ BHTNLĐ theo các mức như sau:

- Mức 0,7% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động đối với tất cả trừ những trường hợp quy định tại Khoản 3, 4  và 5 Điều 3 dự thảo Nghị định.

- Mức 0,5 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khi đáp ứng các điều kiện như: thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và an toàn, vệ sinh lao động đúng quy định trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động theo quy định; Giảm 50% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; Bố trí kinh phí bình quân cho công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 02 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,3% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.

- Mức 0,3 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khi đáp ứng các điều kiện như: thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và an toàn, vệ sinh lao động đúng quy định trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động theo quy định; Giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc không để xảy ra tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; Bố trí kinh phí bình quân cho công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 02 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; Đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.

- Mức 1% nếu bị phát hiện khai báo gian dối, làm giả hồ sơ đánh giá về an toàn, vệ sinh lao động theo kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.../.

PV