Chính sách BHXH thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
21/07/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp nối những quy định về chế độ BHXH sau khi nước nhà giành độc lập, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, toàn dân, toàn quân dốc sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ 09 năm gian khổ chống thực dân Pháp, Đảng và Nhà nước ta vẫn hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thể hiện qua nhiều văn bản về chế độ chính sách được ban hành.
Năm 1948, xét thấy sự cần thiết phải lập một chế độ mới cho công chức Việt Nam thích hợp với nền Dân chủ Cộng hòa và công cuộc kháng chiến kiến quốc, nhằm cải thiện đời sống, đơn giản hóa chế độ công chức theo những nguyên tắc cơ bản như ấn định được mức sinh hoạt tối thiểu, trọng dụng thành tích, phát huy tài năng, chú ý đến tình trạng gia đình, nâng đỡ phụ nữ, đồng bào miền núi làm công chức và thống nhất ngạch, cấp bậc công chức, ngày 29/05/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 188-SL quy định về phụ cấp gia đình, phụ cấp khu vực khí hậu xấu, phụ cấp khu vực tiền tuyến; chế độ thai sản cho công chức nữ. Theo đó, kể từ ngày 01/05/1948, các công chức chính ngạch ở mỗi ngành làm việc trong các cơ quan của Chính phủ, sẽ theo một thang lương chung gồm 25 bậc. Trong đó, sẽ có một số lương chính ngạch, làm căn cứ để tính 10% đóng góp vào Quỹ hưu bổng, một số lương phụ tạm thời quy định bằng 40% lương chính, được Chính phủ định theo thời gian sinh hoạt và có sự điều chỉnh cho phù hợp ở từng thời điểm. Cũng tại Sắc lệnh này, lần đầu tiên đưa ra khái niệm mức thu nhập tối thiểu và quy định “nếu một công chức có mức lương chính và phụ cấp dưới 220 đồng/tháng thì được lĩnh bằng 220 đồng”. Về phụ cấp gia đình, công chức cũng được hưởng gần như công nhân và có quy định thêm, phụ cấp đối với con thứ hai nhiều hơn con thứ nhất, con thứ ba nhiều hơn con thứ hai và con thứ tư nhiều hơn con thứ ba. Từ con thứ năm trở đi, mức phụ cấp bằng con thứ tư. Điều này cũng là dễ hiểu khi nước nhà vừa trải qua cuộc chiến tranh giành độc lập, nạn đói năm 1945 đã làm trên 02 triệu người chết, cuộc kháng chiến kiến quốc còn dài, không biết trước sẽ còn phải chi viện bao nhiêu sức người, sức của cho mặt trận nên chế độ phụ cấp gia đình giai đoạn này thể hiện rõ sự khuyến khích đối với các gia đình đông con. Ngoài phụ cấp gia đình, công chức - tùy theo vị trí, địa bàn công tác - còn được hưởng các loại phụ cấp như phụ cấp gạo đắt, phụ cấp khu vực khí hậu xấu, phụ cấp khu vực tiền tuyến, phụ cấp chức vụ hay phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chuyên môn… Về chế độ thai sản với công chức nữ, Sắc lệnh quy định, công chức phụ nữ sinh con được nghỉ 02 tháng hưởng nguyên lương và các phụ cấp. Nếu chồng của nữ công chức không là công chức thì nữ công chức được hưởng các chế độ phụ cấp gia đình để nuôi con như công chức nam giới và cả cho chồng nếu chồng tàn tật không thể làm việc được. Đối với những công chức đã nghỉ hưu, được Chính phủ trưng tập, sẽ được hưởng lương tương ứng với công việc phụ trách nhưng phải trừ đi số hưu bổng vẫn lĩnh.
Năm 1950 có thể coi là mốc son ghi dấu trong sự phát triển của chính sách BHXH khi cùng một lúc, 02 sắc lệnh quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Đó là Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/05/1950 ban hành Quy chế Công chức Việt Nam, trong đó quy định các nghĩa vụ, quyền lợi của công chức Việt Nam, tổ chức quản trị sử dụng, quy định về tuyển dụng, khen thưởng, thăng thưởng cũng như việc kỷ luật đối với công chức vi phạm quy chế. Tại Sắc lệnh này đã dành hẳn 02 chương để quy định chế độ nghỉ cũng như quyền lợi của công chức khi ra ngạch trong các trường hợp từ chức, thôi việc, bị cách chức, chết hay mất tích trong khi tại chức hoặc về hưu. Trong 04 quyền lợi cơ bản của công chức quy định tại Điều 03, Chương III của Sắc lệnh 76/SL thì có tới 02 quyền về các chế độ BHXH và chế độ chăm sóc sức khỏe (sau này được thể hiện bằng chính sách BHYT):
“Điều 03. Công chức có quyền: Hưởng lương, các thứ phụ cấp và hưu bổng; nghỉ hằng năm có lương, được săn sóc về sức khỏe và trợ cấp khi bị tai nạn…”. Tại Điều 92, Chương VII, Sắc lệnh 76 quy định: “Sau khi làm việc được 30 năm hay đủ 55 tuổi, công chức các ngạch thuộc hạng thường trú được về hưu. Đối với công chức các ngạch thuộc hạng lưu động, hạn về hưu là 50 tuổi hay 25 năm làm việc. Trong trường hợp đặc biệt, công chức đến hạn về hưu có thể được giữ lại làm việc do quyết định của cấp quản trị”.
Có thể thấy ngay từ buổi ban đầu sơ khai, chính sách BHXH đã có những điểm mở hết sức linh hoạt, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Độ tuổi nghỉ hưu từ 50 - 55 tuổi là tương đối phù hợp với đặc điểm sinh học và tuổi thọ của người Việt Nam lúc bấy giờ. Đồng thời, cũng hết sức linh hoạt kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số trường hợp cá biệt nhằm tận dụng tối đa lao động tri thức, trình độ cao, tâm huyết trong điều kiện nước nhà còn đang thiếu lực lượng lao động này.
Sau khi ban hành Sắc lệnh 76 quy định về chế độ đối với công chức, ngày 22/05/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký ban hành Sắc lệnh số 77-SL quy định các chế độ đối với công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến. Sắc lệnh số 77/SL một lần nữa khẳng định và làm rõ hơn những quyền lợi công nhân được hưởng đã quy định tại Sắc lệnh 188-SL ngày 18/10/1949. Theo đó, công nhân được hưởng một thang lương chung gồm 18 bậc và được hưởng 04 loại phụ cấp cơ bản: phụ cấp gia đình (cho vợ chính thức và các con dưới 16 tuổi hoặc dưới 18 tuổi, nếu con đi học hay bị tàn tật); phụ cấp khu vực khí hậu xấu; phụ cấp nguy hiểm, bảo tồn sức khỏe và tiền thưởng năng suất. Về điều kiện nghỉ hưu, cũng tương đồng với công chức: “Sau khi làm việc được 30 năm hoặc đã đủ 55 tuổi, công nhân được về hưu” (Điều 42 Sắc lệnh 77). Công nhân đã về hưu được giữ lại giúp việc hay công nhân đã về hưu mà được gọi ra làm việc lại, được hưởng lương bổng theo năng lực và công việc mới của mình, được quyền lĩnh sổ phụ cấp thâm niên ngoài sổ lương tháng. Đặc biệt, tại Điều 40 quy định: “Trong lúc chờ đợi thành lập một Quỹ BHXH, công nhân bị tai nạn lao động mà một Hội đồng Giám định y khoa chứng nhận phải chịu thương tật thì tạm thời được hưởng một khoản trợ cấp bằng từ 03 tháng đến 01 năm lương, kể cả phụ cấp gia đình, tùy theo thương tật nặng hay nhẹ”. Chế độ thai sản được áp dụng với “công nhân đàn bà” tương đương với chế độ thai sản áp dụng với “công chức đàn bà” với thời gian nghỉ khi sinh con là 02 tháng… Như vậy, phụ cấp và chế độ BHXH công nhân được hưởng đã hướng tới sự đồng nhất với các chế độ phụ cấp và BHXH mà công chức được hưởng. Điều này đã tạo ra sự công bằng giữa người lao động trong các khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh, có tác dụng cổ vũ, động viên hết sức lớn lao đối với người lao động trong giai đoạn này. Việc quản lý Quỹ hưu bổng giai đoạn đầu do Nha Hưu bổng thực hiện, từ năm 1950 giao cho Bộ Tài chính đảm nhiệm, theo Sắc lệnh số 141-SL ngày 21/12/1949.
Chính sách BHXH ở Việt Nam trong giai đoạn đầu tuy còn hết sức sơ khai nhưng đã phản ánh được những mặt tiến bộ như thực hiện nguyên tắc có đóng BHXH mới được hưởng chế độ BHXH; mức hưởng phù hợp với mức đóng, khả năng của Quỹ BHXH và thấp hơn mức hưởng khi đang làm việc. Việc thực hiện chính sách BHXH thời kỳ này còn hạn chế (cả nước chỉ có khoảng hơn 6.000 người hưởng chế độ hưu trí); các chế độ được ban hành, thực hiện chủ yếu dưới dạng phụ cấp, trên tinh thần “đồng cam, cộng khổ”… song đã kịp thời giải quyết một phần khó khăn trong đời sống cho người tham gia cách mạng, công nhân, viên chức nhà nước và trở thành động lực khiến họ hăng hái, dũng cảm chiến đấu, phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, công tác. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người lao động, là cơ sở cho việc hình thành, phát triển chính sách BHXH ở Việt Nam trong các giai đoạn tới./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT