Xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng nhóm lao động
12/06/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và thảo luận tại Tổ về dự án Luật này vào ngày 29/5. Qua thảo luận, ngoài những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết Âm lịch; về bổ sung Ngày Thương binh, liệt sĩ vào quy định nghỉ lễ, tết; thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến thêm nhiều vấn đề cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, thể chế hóa đường lối chỉ đạo của Đảng, thực thi tinh thần Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, lại có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn tác động trực tiếp đến người lao động và các bên trong quan hệ lao động; đồng thời tác động sâu sắc đến đổi mới về quản lý nhà nước về người lao động.
Thảo luận tại hội trường các đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra về sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Lao động, nhất trí với phạm vi sửa đổi của luật cũng như bố cục dự thảo Luật.
Các đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi toàn diện nhiều vấn đề mới được đặt ra như mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, tăng tuổi nghỉ hưu, về tổ chức đại diện cho người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án, đánh giá tác động chính sách mới, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, đề nghị xem xét thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo quy trình tại 03 kỳ họp để Quốc hội có thêm thời gian thảo luận thấu đáo, xem xét quyết định về những nội dung sửa đổi quan trọng này để bảo đảm sự đồng thuận trong xã hội. Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng tại nhiều Nghị quyết trong đó có Nghị quyết số 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ trương nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, người lao động. Vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần bảo đảm các mục tiêu trên đồng thời phải tiến bộ hơn và khả thi hơn.
Nêu rõ Bộ luật Lao động có tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp nhân dân, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến loại hình lao động, quan hệ lao động với phạm vi tác động và tầm ảnh hưởng rộng, đại biểu Vũ Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đề nghị Quốc hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để có thêm thông tin, cơ sở sửa đổi phù hợp.
Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, cho rằng đây là vấn đề có tính chất hai mặt nên Quốc hội cần xem xét nội dung này bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thì cần làm rõ đề xuất làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì? Nếu đặt vấn đề làm thêm giờ mà chỉ nhìn ở góc độ thuận lợi cho người lao động trong quá trình lao động tăng thêm thu nhập và đưa ra khung giới hạn khá rộng so với hiện hành để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thì có vẻ không có vấn đề gì mâu thuẫn. Nhưng nếu xét ở bản chất của vấn đề, thì việc đặt ra vấn đề làm thêm giờ là đi ngược với sự tiến bộ xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, nếu hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm giờ không thì câu trả lời là không nhưng nếu hỏi công nhân có cần làm thêm giờ không thì câu trả lời là có. Vì người công nhân cần làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập do tiền lương, thu nhập của người công nhân hiện nay so với trang trải nhu cầu cầu cuộc sống tối thiểu còn quá khó khăn, thiếu thốn.
Do đó, Quốc hội phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương, thu nhập tăng thêm để người lao động có thể tái tạo sức lao động, làm việc tốt hơn. Điều này vừa có lợi cho người lao động và người sử dụng lao động. Cùng với đó, dưới góc độ người sử dụng lao động, nếu cần thiết làm thêm, cấp bách để đảm bảo sản xuất thì có cách để thỏa thuận với công nhân và tiền lương làm thêm giờ có sự lũy tiến. Đại biểu nhấn mạnh, không phải không tăng giờ là không quan tâm đến người lao động mà phải quan tâm đến người lao động theo chính sách ưu việt hơn, thỏa đáng hơn.
Cùng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận là hợp lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Song đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ với mức lương cao hơn và chỉ áp dụng làm thêm tối đa 400 giờ/năm ở một số doanh nghiệp, ngành nghề chủ yếu và trong thời điểm nhất định.
Tán thành với quy định của dự thảo, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, có một bộ phần người lao động muốn tăng thêm giờ làm thêm để có thêm thu nhập nhưng phần lớn người lao động không muốn tăng thêm giờ làm thêm. Thực tế tại các doanh nghiệp và người lao động phải làm thêm, vượt giờ rất nhiều. Đại biểu bày tỏ đồng tình về việc thỏa thuận mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt nhưng không qua 400 giờ/năm. Đề tránh tình trạng tăng giờ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, bên cạnh quy định số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường và không quá 12 giờ/ngày, đại biểu đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định số giờ tối đa trong một tháng như luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng lần sửa đổi này đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết nhằm khắc phục những bất cập hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành luật, kịp thời đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đặc biệt là thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Góp ý về nội dung tăng tuổi hưu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng các căn cứ, phương án Chính phủ đưa ra vừa bảo đảm quyền, trách nhiệm của người lao động, có tính đến điều kiện, tính chất lao động và nhiều yếu tố khác. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới, qua nắm bắt dư luận xã hội cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, tuy nhiên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, quy định về tuổi nghỉ hưu tiện tại được quy định cách đây gần 60 năm đến nay các điều kiện về kinh tế xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ trung bình, yêu cầu phát triển đất nước thay đổi rất nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đã chín muồi. Dự báo trong 15 năm tới thì mỗi năm chỉ tăng khoảng 100.000 lao động/năm, như vậy trong tương lai sẽ rất thiếu lao động. Đối với nữ, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội và sẽ tăng lương hưu đối với lao động nữ, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có thêm cơ hội phát triển đối với lao động nữ.
Cùng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ quy định về quyền được nghỉ hưu sớm đối với một số nhóm lao động đặc thù. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung căn cứ khoa học, thực tiễn về lao động thuộc ngành nghề nào cần được nghỉ hưu sớm và sớm hơn bao nhiêu lâu. Đại biểu cũng lưu ý việc điều chỉnh tuổi hưu cần tính toán bảo đảm đồng bộ với các chính sách khác về lao động, an sinh xã hội một cách tổng thể, cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo ra sự đồng thuận.
Về vấn đề này, đại biểu Trương Phi Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng cần cân nhắc về độ tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất và một số ngành nghề đặc thù để xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình thực hiện phù hợp để tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đại biểu đề nghị, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phân theo nhóm lao động gồm nhóm lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm làm việc trong doanh nghiệp ngoài công lập đề nghị giữ nguyên như hiện hành cần giữ nguyên như hiện hành. Đại biểu cũng bảy tỏ băn khoăn việc tăng tuổi hưu cũng làm giảm cơ hội tiếp cận việc làm của lao động trẻ do đó cần được tính toán thật kỹ lưỡng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định dự thảo Bộ luật sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, bảo đảm bám sát các mục tiêu quan điểm, đặc biệt là tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động để thể chế trong luật.
Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ Chính phủ đề xuất tăng ở mức tối đa 300 - 400 giờ và chỉ áp dụng cho một số ít ngành nghề và ở những thời điểm nhất định, không áp dụng tăng giờ làm thêm ở khu vực công. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là đối với vấn đề đề xuất của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, mức lương làm thêm giờ lũy tiến v.v... Song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý rằng 97% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó cần phải rất quan tâm để vừa đảm bảo quyền của người lao động nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.
Về tổ chức đại diện người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khi thảo luận Công ước số 98 của ILO, Bộ đã có báo cáo. Đây là vấn đề có tính chất nguyên tắc cần được nêu trong luật. Còn những vấn đề cụ thể như hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới, nhạy cảm và đảm bảo cho tổ chức hoạt động thực chất, đồng thời quản lý chặt chẽ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là xu hướng tất yếu cũng như yêu cầu thực sự cần thiết của chúng ta hiện nay. Thời điểm này, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Nghị quyết số 28 của Trung ương đã nêu rất rõ các mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Bày tỏ vui mừng khi các đại biểu Quốc hội phát biểu đã đồng thuận với phương án này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo thêm, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề khó, ở hầu như các nước đều gặp phải khó khăn khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều đi đến là quyết định sớm khi còn thặng dư lao động. Hai là đều tiến hành lộ trình tăng phải chậm. Ba là thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài các nước đều quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Bốn là trong quá trình xử lý, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuổi nghỉ hưu đích đạt đến là đối với nữ là năm 2035, nam là năm 2029. Khi đó với tinh thần dự thảo Nghị quyết Đại hội 13 xác định đến năm 2030 Việt Nam thuộc vào nước phát triển trung bình cao, năm 2045 chúng ta thuộc vào nước phát triển, khi đó tình hình sức khỏe, điều kiện kinh tế - xã hội, v.v... có sự thay đổi thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là tuổi nghỉ hưu lao động trong điều kiện bình thường.
Nhóm thứ hai là nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 sẽ có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.
Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn hơn, sẽ có danh sách cụ thể. Hiện nay đang áp dụng chủ yếu có 3 đối tượng là 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nữ Thứ trưởng và đối với nhà khoa học và quản lý.
Về vấn đề lực lượng lao động Việt Nam hiện nay như thế nào, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nêu rõ, từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già, theo đánh giá của quốc tế. Hiện nay, chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng hàng năm và tiến tới chắc chắn chúng ta thiếu lao động và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2% so với quốc tế, so với các nước chúng ta đứng đầu trong tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Về sức khỏe chúng ta hiện nay đứng thứ 40/183.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội chính thức rút nội dung bổ sung Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 vào quy định nghỉ lễ, tết ra khỏi dự thảo Bộ luật.
Ngoài ra, về một số nội dung khác, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến sâu rộng các đối tượng xã hội, tiếp tục phối hợp Ủy ban Các vấn đề xã hội, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để lựa chọn các phương án tốt nhất trình Quốc hội xem xét.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời phối hợp tiếp tục cập nhật, tiếp thu ý kiến nhân dân, làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động và chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, cần khảo sát và phân loại đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu để có giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan tổ chức hữu quan về vấn đề tăng giờ làm thêm, gắn với chính sách tiền lương; quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Lưu ý việc người lao động thành lập tổ chức đại diện, giải quyết tranh chấp lao động, hướng đến xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý trong quá trình xây dựng luật cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao./.
Bảo Yến
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT