Nội dung và hình thức tuyền truyền phải gần gũi, thân thuộc với người dân

31/05/2019 05:00 PM


Ngày 31/5, tại TP.HCM, đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại cơ sở khu vực Đông Nam Bộ”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự hội thảo nghị có ông Chu Quang Hào- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện các vụ, ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; đại diện BHXH, Bưu điện, Hội Phụ nữ và nhiều đại lý thu của các tỉnh miền Đông Nam Bộ…

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu chủ trì hội thảo

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Trong thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT, nhất là gần đây đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Thực hiện chủ trương này, ngành BHXH đang ra sức chung tay làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, trong đó chủ trương đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện trong nhân dân.

Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, Đông Nam Bộ đang được xem như là “đầu tàu” của nền kinh tế cả nước, thu hút lao động di cư từ nhiều tỉnh, thành về đây sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này mới chỉ đạt 30% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó có 7% BHXH tự nguyện là chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương trong vùng cần tìm ra những thuận lợi và khó khăn, để có cách thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia, kể cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. "Với kết quả đã đạt được thì có giải pháp nào? Cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; cách thức tổ chức thực hiện cụ thể như thế nào? Khó khăn ra sao, cần giải pháp nào?… để từ đó đúc rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao hơn nữa tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện"- Phó Tổng Giám đốc nói.

Thông tin tại hội thảo, ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến hết ngày 30/4/2019, cả nước có 337.255 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 68,7% kế hoạch được giao, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có 24.096 người tham gia, đạt 43,3% kế hoạch, thấp hơn 25,4% so với bình quân chung toàn quốc. Một số tỉnh vùng này có số người tham gia BHXH đạt kết quả cao hơn là Bình Phước 1.727 người, tăng 22% so với năm 2018, đạt 53,7% kế hoạch; Bà Rịa- Vũng Tàu 2.819 người, tăng 14,3% so với năm 2018, đạt 51,6% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Một số địa phương có số người tham gia BHXH còn thấp là TP.HCM 9.354 người, chỉ đạt 34,3% kế hoạch; Bình Dương 3.251 người, đạt 44,9% kế hoạch; Tây Ninh 2.253 người, đạt 49,7% kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương nhìn nhận, trong thời gian sắp tới, Hội LHPN tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp với BHXH tỉnh và các huyện để tập huấn cho lực lượng cộng tác viên, cán bộ hội kịp thời cập nhật các văn bản, các TTHC và những chính sách liên quan đến tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục phát hiện và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả từ cơ sở trong việc vận động, truyền thông đến hội viên, phụ nữ để các chị và gia đình tích cực tham gia BHXH tại cơ sở; kịp thời động viên, tuyên dương, khen thưởng và giới thiệu các gương điển hình trong công tác truyền thông phát triển đối tượng, tổ chức chương trình cụ thể, thiết thực, chứ không chỉ bề nổi…

Đại diện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chia sẻ kinh nghiệm

Chị Kim Phượng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, với việc đã ký kết Chương trình phối hợp số 840/CTr-BHXH-HND giữa BHXH và Hội Nông dân, chính là cơ sở để các cấp hội hàng năm phối hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật BHXH cho cán bộ, hội viên, nông dân; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chính sách BHXH thông qua các buổi sinh họat chi, tổ hội, sinh hoạt các câu lạc bộ nông dân; tổ chức các cuộc thi trong đó có lồng ghép chương trình tìm hiểu chính sách BHXH cho cán bộ, hội viên, nông dân các huyện, thành phố…

Ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cũng cho biết, theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao, trong năm 2019, TP.HCM phải có hơn 27.000 người tham gia BHXH tự nguyện- tăng hơn 22.000 người so với năm 2018. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2019, thành phố mới có hơn 9.560 người tham gia, chỉ đạt 35,4% so với kế hoạch được giao. Đây là một thử thách rất lớn đối với BHXH TP.HCM, vì nhiều người dân chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già.

Đại diện BHXH TP.HCM phát biểu tham luận tại hội thảo

Dù vậy, ông Thanh cho biết, thời gian qua, hệ thống BHXH TP.HCM đã hết sức cố gắng trong việc phối hơp với Bưu điện tiếp cận tuyên truyền đến người dân. Tính đến ngày 24/5/2019, cả hai cơ quan đã tổ chức được hơn 246 cuộc tuyên truyền cho gần 13.000 người... Để tăng tính hiệu quả, trong thời gian tới, BHXH TP.HCM sẽ phối hợp với Bưu điện chắt lọc đối tượng mời tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền cụ thể hơn nữa để người dân nắm bắt rõ. "Vừa qua, BHXH Thành phố đã có các cuộc tuyên truyền tại các chợ truyền thống, hiệu quả. Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai theo hình thức này"- ông Thanh nói và chia sẻ về cách tuyên truyền là cần phải phù hợp, dễ hiểu. Ví dụ, người dân tham gia BHXH tự nguyện phải đóng trong thời gian 20 năm hết bao nhiêu tiền, khi hưởng thì bao nhiêu năm là đủ, “lời” bao nhiêu năm nếu độ tuổi kéo dài, rồi thêm các khoản lợi về hưởng về BHYT…

Tham gia góp ý, ông Nguyễn Duy Hiểu- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương chia sẻ, thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể, như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại, tư vấn; cử cán bộ tham gia Tổ tuyên truyền pháp luật của tỉnh, huyện và tự phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho NLĐ và các tầng lớp nhân dân tại xã, phường, khu phố, ấp, khu nhà trọ; tập huấn kỹ năng và trang bị, cập nhật thông tin cho đội ngũ nhân viên đại lý thu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Kết quả, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 là 3.143 người, vượt 37,2% so với năm trước; tính đến ngày 30/4/2019 có 3.382 người tham gia, đạt 46,69% kế hoạch.

Đại diện BHXH Tây Ninh cũng cho biết, tính đến 20/5/2019, toàn tỉnh đã có 2.379 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 532 người so với cuối năm 2018, đạt 52,51% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Đó là do thời gian qua, BHXH tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3266/KH-UBND để triển khai; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành; khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng căn cứ vào lực lượng lao động của từng huyện, thành phố để giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho BHXH các huyện, thành phố trên tinh thần cao hơn từ 25-30%; xác định đối tượng tiềm năng theo thực tế từng địa bàn để tuyên truyền, vận động.

Đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Về phía ngành Bưu điện, ông Chu Quang Hào- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 28 đã nói rõ toàn hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, chung tay thực hiện chính sách BHXH. Riêng ngành Bưu điện, trong 5 tháng đầu năm đã tổ chức được 5.500 hội nghị, phát triển được hơn 90.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ông Hào cũng nhận định, việc phát triển BHXH tự nguyện tại các tỉnh Đông Nam Bộ còn thấp, riêng TP.HCM hiện vẫn chưa có văn bản của UBND chỉ đạo về công tác này.

Từ đó, ông Hào đề nghị Bưu điện các tỉnh, thành phố cần tập trung, nỗ lực và chủ động hơn nữa trong công tác này. Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu ban hành các gói linh hoạt cho người tham gia BHXH tự nguyện; đề xuất đẩy mạnh xu hướng phát triển CNTT bền vững; triển khai kết nối với hệ thống BHXH các cấp; hệ thống BHXH và Bưu điện các tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, đoàn thể các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận những ý kiến tham luận, góp ý của các đại biểu, nhất là đã làm rõ các kết quả, hạn chế, cũng như những ưu nhược điểm, bài học kinh nghiệm trong công tác phát triển BHXH tự nguyện tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đó, Phó Tổng Giám đốc đề nghị, sau hội thảo này, các bộ phận liên quan phải đề ra phương pháp tổ chức thực hiện hiệu quả. Riêng đối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cần rà soát, yêu cầu Bưu điện các tỉnh, thành báo cáo việc phối hợp, triển khai với UBND các cấp.

“Trung tâm Truyền thông cần chủ động phối hợp với Báo, Bưu điện để triển khai hiệu quả hơn nữa. Phải tuyên truyền cụ thể, có các hội thi, biểu dương tuyên truyền viên giỏi. Công tác phục vụ người dân cũng phải chuyên nghiệp, tài liệu tuyên truyền phải chuẩn, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận. Nội dung và hình thức tuyền truyền phải gần gũi, thân thuộc với người dân. Tránh ngồi phòng lạnh làm nội dung, xa rời thực tế”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Phạm Thọ

  • TIN BÀI LIÊN QUAN