Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu

30/05/2019 07:08 AM


Chiều 29/5, thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tăng tuổi nghỉ hưu.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lao động (sửa đổi)

 

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn Nhã, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược chung của nhiều quốc gia trên thế giới mà không phân biệt nước giàu hay nghèo. Và để thực hiện chiến lược này, các nước thường đề ra lộ trình tăng dần trong nhiều năm. Ví dụ có những nước độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 thì họ điều chỉnh trong hàng chục năm để đạt mức này, cứ mỗi năm tăng thêm một tháng.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chí Ngân sách cho rằng, cách tăng như vậy không gây sốc. Với Việt Nam, việc trình Quốc hội xem xét từ năm 2021 mới bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn so với các nước, có thể nói là nước đến chân mới nhảy. Nếu như Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu sớm hơn, từ cách đây vài năm thì chỉ cần mỗi năm tăng một tháng, thay vì mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi như đề xuất của Chính phủ (phương án khác của Chính phủ là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam, 6 tháng đối với nữ).

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới. "Không phải cứ độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau mới là bình đẳng giới. Chính sự khác nhau về tuổi nghỉ hưu mới là bình đẳng, do đặc điểm tâm sinh lý và bảo đảm lợi ích cho nữ.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhấn mạnh quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, có 3 vấn đề cần phải quan tâm tính toán hợp lý, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người lao động. Đầu tiên là đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu, cần phải cân nhắc những người suy giảm sức khỏe, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không nên áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, việc tăng hoặc cho về hưu trước không chỉ dừng lại ở 5 năm, mà có thể là 5-7 năm, bởi có những người, những ngành đến 50 tuổi không thể làm việc được nữa. Ngoài ra, cũng cần quan tâm thiết kế lộ trình sao cho người lao động dễ hiểu và tránh bị hiểu nhầm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất khi trình dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ cần trình nghị định, những danh mục về ngành nghề được nghỉ hưu sớm hơn. Nói cách khác, có một chế độ nghỉ hưu linh hoạt mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) dẫn chứng đánh giá của WHO, đó là trong số những người đã về hưu (nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60), vẫn có tới 42% số người tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, vừa hưởng lương hưu, vừa hưởng tiền lương làm thêm. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, lương hưu bình quân của người lao động nhìn chung còn thấp, đặc biệt giáo viên mầm non lương chưa đến 1.390.000 đồng- không bằng tiền lương cơ sở. Do đó, nếu kéo dài thời gian làm việc, chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí, để khi người lao động về hưu có mức lương hưu cao hơn. Đáng chú ý, chính sách BHXH hiện nay được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, tức là “có đóng, có hưởng”, “đóng cao hưởng cao” và tiền lương được tính bình quân cả quá trình tham gia BHXH. Đồng thời, theo Chính phủ, đến năm 2039, nguồn nhân lực của chúng ta bắt đầu đến giai đoạn già hóa nên chúng ta chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hoá dân số. Chính vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với thực tế.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cơ quan trình dự án cần giải thích rõ cho người dân hiểu, không phải ai cũng về hưu ở độ tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Thay vào đó có 3 nhóm nghỉ hưu, nhóm đầu tiên là nhóm ở độ tuổi 62 với nam và 60 với nữ là nhóm hoàn toàn làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm thứ hai, cơ bản độ tuổi nghỉ hưu vẫn là 55-60, bởi người lao động làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc độc hại, những ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động. Nhóm thứ 3, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì có thể kéo dài thời gian công tác, thêm một điều kiện ngoài tuổi 62 đối với nam thì không tham gia quản lý, lãnh đạo mà chỉ tham gia phát huy chuyên môn trình độ thì phù hợp hơn.

ĐBQH Hoàng Văn Trà (ĐBQH đoàn Phú Yên) đồng tình rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu. Bởi tuổi thọ và kể cả sức khỏe người Việt Nam đã cao lên như các nước. Sự xung đột việc làm giữa người được tăng tuổi với lớp trẻ là không có vì thị trường lao động khác nhau. Nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải vì người này làm mất việc của người kia, song đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo luật cần phân tích rõ hơn để tăng tính thuyết phục cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Đồng thời, ĐBQH Hoàng Văn Trà cũng cho rằng, cần làm rõ hơn quy định quyền được nghỉ hưu sớm trong Dự thảo Luật cũng đã đề cập. Bởi thực tế trong cơ quan nhà nước có người chỉ “đi đi, về về”, không làm được việc gì, muốn nghỉ hưu sớm lại vướng chế độ, chính sách nên không thực hiện được như: chưa đủ tháng, chưa đủ ngày, ảnh hưởng đến tiền lương. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật quy định “mềm” hơn về quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn.

Cùng đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần phải xét vào từng đối tượng cụ thể, chứ không nên quy định đại trà. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, nhằm giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động./.

T.Hà

  • TIN BÀI LIÊN QUAN