Phát triển BHXH, BHYT: Mở rộng đối tượng gắn liền với bảo đảm quyền lợi người tham gia
02/02/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với việc ban hành các Quyết định, Nghị quyết về chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ trong mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu “Mọi công dân đều được an sinh xã hội” theo quy định tại Hiến pháp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao một cách bền vững, là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam luôn xác định, việc mở rộng đối tượng phải gắn liền với bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu.
Tỷ lệ bao phủ tăng, quyền lợi người tham gia được bảo đảm
Năm 2018, toàn Ngành BHXH tiếp tục nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,72 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BH thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho 3,1 triệu người nghỉ hưu, cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí rất nhiều người được BHYT thanh toán hàng tỷ đồng mỗi năm.
Việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh việc chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, BHXH Việt Nam cũng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia thông qua việc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách TTHC, BHXH Việt Nam thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành. Những hoạt động này đã mang lại kết quả rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, thì đến năm 2016 đã cắt giảm còn 32 thủ tục và đến nay chỉ còn 28 thủ tục. Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC được thực hiện theo đúng quy định. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 03 hình thức: Qua bộ phận "Một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần) và qua dịch vụ bưu chính công (doanh nghiệp không phải trả phí). Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời, đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn... Đến nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đã bàn giao 99,35% sổ BHXH cho NLĐ.
Công khai, minh bạch trong quản lý điều hành
Trong năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH. Theo đó, nhiều hoạt động phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động hệ thống ngành BHXH được triển khai quyết liệt và có hiệu quả.
Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ và trong năm 2018 số hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống là hơn 47,72 triệu hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp.
Xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung liên thông với các phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động..
Với những kết quả đạt được nêu trên, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2018 của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190. Hai năm liền, ngành BHXH giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho cá Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 06 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia, riêng với ngành thuế, hai bên đang hợp tác trao đổi thường xuyên.
Đặc biệt, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 05 vấn đề tới BHXH Việt Nam, đặc biệt là đánh giá cao về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách của Ngành BHXH, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH và người dân được hưởng các chế độ.
Chuyển biến mạnh mẽ để tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho người dân
Căn cứ nhiệm vụ được giao, toàn Ngành BHXH xác định năm 2019 thực hiện chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt hơn nữa, tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người dân. Năm 2019, Ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính trị chủ yếu như:
Một là, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, dự án để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ; thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, các văn bản quy định mới về lĩnh vực BHXH, BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; xây dựng các giải pháp phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT của địa phương theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thu và giảm nợ đọng BHXH, BHYT xuống mức tối thiểu.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân; tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp; đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở KCB BHYT; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý mua sắm, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế đối, sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT.
Bốn là, hoàn thiện, tổng kết việc trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH; tiếp tục hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho người tham gia; trình Chính phủ mẫu thẻ BHXH, BHYT điện tử để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức; phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hoàn thiện hệ thống các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối liên thông dữ liệu với Chính phủ và các Bộ, ngành; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống BHXH Việt Nam; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Bảy là, phát huy vai trò chủ Chủ tịch ASSA, tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương với các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và thế giới; chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới với các tổ chức quốc tế để tăng cường quảng bá, giới thiệu BHXH Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế về lĩnh vực an sinh xã hội cho cán bộ trong Ngành.
Tám là, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án “sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH, phục vụ tốt nhất người tham gia BHXH, BHYT, vì mục tiêu phát triển an sinh xã hội bền vững./.
Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT