Tập trung cao độ, quyết liệt triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm

05/01/2019 05:00 PM


Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2019 được tổ chức ngày 04/1/2019 với 64 điểm cầu trên cả nước.

 

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương, về phía BHXH Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu; các đồng chí Thường trực Đảng uỷ cơ quan; đại diện Văn phòng Hội đồng Quản lý; đại diện BHXH Bộ Công an, BHXH Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng ban liên quan và BHXH các quận, huyện; cùng đại diện lãnh đạo Bưu điện các tỉnh, thành phố.

Thu tăng, tỷ lệ nợ giảm thấp nhất từ trước tới nay

Báo cáo kết quả công tác năm 2018 của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2018, cùng với các Bộ, ngành, địa phương, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, trọng tâm vẫn là thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia, tăng thu, giảm nợ đọng chỉ còn 1,7% so với số phải thu; đổi mới phong cách phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, từng bước “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, người lao động và nhân dân”.

Năm 2018, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn Ngành là 332.006 tỷ đồng, vượt 1.432 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu. Toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH (trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,45 triệu người, BHXH tự nguyện 271 nghìn người), đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có 12,68 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Toàn quốc có 83,515 triệu người tham gia BHYT, đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg). Hiện toàn quốc cấp được 14,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,35% tổng số đối tượng tham gia BHXH. Tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc được cấp thẻ là 82,25 triệu người.

Thực hiện Luật BHXH, trong năm 2018, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước đã rà soát, bàn giao được 13,24 triệu sổ BHXH cho người lao động, đạt 99,1% trên tổng số người lao động đang tham gia. Giải quyết 122.843 người hưởng BHXH hàng tháng (trong đó, hưởng lương hưu là 99.290 người); 810.033 người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó, hưởng chế độ BHXH 1 lần 695.363 người); 9.750.393 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 768.739 người hưởng chế độ BH thất nghiệp; 37.743 người hưởng hỗ trợ học nghề; khám chữa bệnh BHYT trên 177,6 triệu lượt người...

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Nhiều dấu ấn trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý

Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản của Ngành, kịp thời loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp; thực hiện công bố công khai danh mục 28 thủ tục hành chính mới trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Trang tin điện tử của BHXH các tỉnh; đồng thời, cập nhật lên cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận. Vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn...

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp, quản lý lao động..., để khai thác, sử dụng thông tin dùng chung giữa các bộ, ngành; thực hiện kết nối phần mềm kiểm soát hồ sơ bưu chính với Tổng Công ty Bưu điện để liên thông trả kết quả hành chính.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình làm cơ sở để cấp số định danh cho người tham gia; làm tiền đề để quản lý, sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Tính đến 28/122018, BHXH Việt Nam đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.

Thực hiện việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các Bộ, Ngành trên trục tích hợp dữ liệu quốc gia; xây dựng tài liệu đề xuất cấp độ đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trọng yếu của Ngành; triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành Hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác đã chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ về 05 vấn đề lớn mà ngành BHXH đã làm được trong thời gian qua, đó là: Đã sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đã có giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; đã triển khai có hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm; công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT đã có nhiều chuyển biến, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực...; trong đó đặc biệt nhấn mạnh là về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, qua kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính tại BHXH Việt Nam, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đã đánh giá: “BHXH Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao, trở thành một điểm sáng trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ cũng như trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính được người dân, tổ chức đánh giá cao”.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại hội nghị.

Truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT hướng mạnh về cơ sở

Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng nêu rõ, năm 2018 công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp thể hiện ở Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII về “Cải cách chính sách BHXH”; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Cổng thông tin điện tử Ngành, Báo, Tạp chí phát huy tốt vai trò chủ lực trong truyền thông về những nội dung cơ bản của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động; các văn bản quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ, các Bộ, ngành; những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và  kết quả thực hiện của BHXH Việt Nam trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành..., để vận động người lao động, người dân tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Ngành cũng phối hợp với các Bộ, ngành; hội, đoàn thể; các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận; tổ chức nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo về chính sách BHXH, BHYT như: Hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; Hội nghị về công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cho các doanh nghiệp; các hoạt động truyền thông Hội nghị ASSA 35 tại Nha Trang, Khánh Hòa; tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin định kỳ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xây dựng nhiều chương trình phát thanh, phát hình tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi, mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên và những điểm mới về chính sách BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Tăng cường công tác thông tin đối ngoại về BHXH, BHYT; tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ đầu mối thông tin đối ngoại trong toàn Ngành; vận hành hiệu quả Cổng Thông tin điện tử Ngành phiên bản tiếng Anh.

Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Định phát biểu tại hội nghị.

Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đánh giá, năm 2018 là một năm hoàn thành nhiều công việc lớn của ngành BHXH, toàn Ngành đã cố gắng đến những ngày cuối cùng và đã được những kết quả tốt.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, báo cáo công tác năm 2018 đã thể hiện bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống BHXH. Trong đó đã thể hiện được khái quát kết quả một năm qua rất phấn khởi, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng đến tận ngày cuối cùng của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành.

“Thay mặt lãnh đạo Ngành, tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả toàn Ngành đã đạt được. Đồng thời, tôi cũng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo, tập thể CCVC BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân, ngành Bưu điện đã tích cực phối hợp, đồng hành cùng ngành BHXH đạt được những kết quả trên” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nói.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, các đơn vị trong Ngành không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả, thành tích đã đạt được bởi nếu chỉ sao nhãng, dừng lại dù chỉ một ngày thì đã là tụt lùi như việc cập nhật, tăng giảm dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cần phải làm thường xuyên liên tục để có được nguồn dữ liệu sống động, theo sát thực tế; công tác đốc thu, giảm nợ nếu không sâu sát, quyết liệt thì những khoản nợ trong hạn sẽ rất dễ trở thành những khoản nợ mới, nợ xấu; hệ thống thông tin giám định BHYT nếu không thường xuyên được đẩy dữ liệu, cảnh báo thì không phát huy được hiệu quả…

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở ngành liên quan ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT vẫn theo cách truyền thống, cần được đổi mới hơn nữa để tiếp cận trực tiếp tới từng người dân, người lao động. Trong đổi mới quy trình giám định BHYT, nhiều BHXH tỉnh còn thụ động, chưa quyết liệt thực hiện…

Tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh; các đơn vị trực thuộc: Tổ chức cán bộ, Công nghệ thông tin; Pháp chế, Thực hiện chính sách BHYT; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thảo luận, phát biểu ý kiến, đóng góp, kiến nghị, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trong năm 2019.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, từ năm 2019 sẽ có những thay đổi trong việc giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tới các địa phương. Đặc biệt, việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ theo dân số, lực lượng lao động. Do đó, có những địa phương chỉ tiêu này sẽ cao lên rất nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch, phương pháp quyết liệt mới hoàn thành được. Trong công tác thu, BHXH các tỉnh phải làm quyết liệt ngay từ tháng 01/2019, thường xuyên báo cáo tiến độ về BHXH Việt Nam.

Về lĩnh vực BHYT, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, hiện đang có rất nhiều công việc BHXH các tỉnh, thành phố phải lưu ý, triển khai khi từ 01/01/2019 khi một loạt các văn bản mới trong lĩnh vực này có hiệu lực. Do đó, các địa phương phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các văn bản mới trong lĩnh vực BHYT đã và sắp có hiệu lực thi hành, đặc biệt là Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Thông tư 30/2018/TT-BYT, Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị mọi nguồn lực cho công tác thẩm định, quyết toán chi phí KCB BHYT; thông báo số tạm tính kinh phí KCB BHYT năm 2019 tới các cơ sở y tế trên địa bàn trước ngày 15/01; sẵn sàng cho việc thành lập các vùng giám định BHYT của BHXH Việt Nam…

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định, năm 2019 vẫn là những công việc, nhiệm vụ nặng nề với ngành BHXH đòi hỏi các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để hoàn thành các đề án, dự án, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng, thu hút được nhóm đối tượng lao động phi chính thức tham gia BHXH, BHYT. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành cần tiếp tục tuyên truyền, biểu dương những gương điển hình trong thực hiên chính sách BHXH, BHYT; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí khác để nắm bắt dư luận, tham mưu cho lãnh đạo Ngành nâng cao hiệu quả công tác này. Về phát triển đối tượng cần đặc biệt quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng mở rộng hệ thống đại lý như hệ thống của ngành Bưu điện. Việc cập nhật tăng giảm dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cần phải đẩy nhanh tiến độ, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước, qua dịch vụ ATM nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân.  Tiếp tục việc kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định. Đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở KCB BHYT, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần không ngừng nghiên cứu, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối các phần mềm. Phấn đấu hết 2019, ngành BHXH thực hiện được thanh toán điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, đạt cập độ 4 về ứng dụng CNTT; hầu hết các văn bản của Ngành được sử dụng dưới dạng điện tử…

Nhấn mạnh, năm 2019, là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH; năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới phong cách phục vụ theo hướng “hiện đại, chuyên nghiệp tiến tới sự hài lòng của doanh nghiệp người dân”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tập trung cao độ, quyết liệt triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao./.

 

Theo BHXH VN

  • TIN BÀI LIÊN QUAN