Bắc Giang: Thực hiện toàn diện và đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn quỹ BHXH, BHYT
12/09/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 12/9, Đoàn giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam do Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Tham gia cùng Đoàn giám sát có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Quản lý, đại diện lãnh đạo BHXH Bộ Quốc phòng.
Về phía tỉnh Bắc Giang có ông Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Lâm- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; đại diện Sở Y tế, LĐ-TB&XH, Tài chính, Cục thuế, Công an, Văn phòng UBND, Nội vụ, Liên đoàn Lao động và BHXH tỉnh.
Thượng tướng Lê Chiêm - Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Trong chương trình làm việc, sáng ngày 12/9, Đoàn Giám sát làm việc tại BHXH tỉnh; tiến hành khảo sát tình hình KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa Sông Thương. Buổi chiều, Đoàn làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Tại buổi giám sát, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật, các chính sách BHXH, BHYT; nguyên nhân dẫn đến nợ đọng, bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm hạn chế gia tăng các chi phí bất hợp lý, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định quỹ BHYT…
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Thân Đức Lại cho biết: Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT ngày càng tăng, quyền lợi đối tượng ngày càng được đảm bảo…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu tại buổi làm việc.
Tính đến 30/6/2018, số người tham gia BHXH, BHYT là: 1.567.160 người (tăng 83.240 người so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 28.133 người so với thời điểm 31/12/2017). Trong đó: Tham gia BHXH bắt buộc là 214.012 người, BHXH tự nguyện là 4.169 người, BH thất nghiệp là 201.520 người và BHYT là 1.562.991 người. Số người tham gia BHYT là 1.586.677 người, đạt tỷ lệ bao phủ 94,5% dân số của tỉnh.
Sáu tháng đầu năm 2018, tổng số thu toàn tỉnh là 2.148,576 tỷ đồng, tăng 213,784 tỷ đồng (11,04%) so với cùng kỳ năm 2017, đạt 92,7% kế hoạch 6 tháng; đạt 46,3% kế hoạch năm 2018 do BHXH Việt Nam giao. Trong đó: BHXH bắt buộc là 1.356,034 tỷ đồng, BHXH tự nguyện là 11,315 tỷ đồng, BH thất nghiệp là 99,499 tỷ đồng, BHYT là 677,533 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT; từ năm 2016, đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 20% chi phí tham gia BHYT (ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương là 30%)…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, Giám đốc BHXH tỉnh cũng cho biết, tỷ lệ người lao động trong các DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn thấp; nhiều DN chưa tham gia BHXH cho người lao động hoặc tham gia chưa đầy đủ lao động đang làm việc và có hưởng lương tại DN; lao động làm việc trong các DN tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động. Nhiều DN kê khai thuế thu nhập cá nhân để quyết toán thuế cao hơn nhiều so với lao động, tiền lương, phụ cấp theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia BHXH.
Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy, hết tháng 5/2018 có 4.263 DN đang hoạt động nhưng hết tháng 8/2018, cơ quan BHXH phát triển được 331 DN với 1.872 lao động (còn trên 1.800 DN với trên 14.000 lao động chưa tham gia BHXH). Cùng với đó, lực lượng lao động tham gia BHXH tại Bắc Giang chiếm 29,1% (toàn quốc 29%); nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn diễn ra phổ biến trong các DN. Đến 30/6/2018, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 124,998 tỷ đồng (bao gồm cả lãi chậm đóng), tương ứng với tỷ lệ nợ là 2,7%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Bắc Giang triển khai tương đối tốt, nhất là số người tham gia BHYT đã vượt 10% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, ước khoảng trên 14.000 lao động phải tham gia BHXH nhưng chưa tham gia; BHXH tự nguyện ở mức thấp với hơn 4.000 người. Nợ BHXH, BHYT ở mức bình quân chung của cả nước nhưng số tuyệt đối lớn, nhất là nợ ở DN phá sản giải thể chưa xử lý được. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của địa phương.
Đoàn giám sát làm việc tại BHXH tỉnh.
Lý giải về việc số người tham gia BHXH thấp, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, Bắc Giang có đặc điểm khác các tỉnh khác là các DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên gây khó khăn rất nhiều cho phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trước kia, tổng số DN trên địa bàn tỉnh đăng ký là 7.000 nhưng chỉ trên 3.000 đang hoạt động. 3 năm gần đây, Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, ban hành kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động xã hội và đã đem lại nhiều kết quả.Hàng tháng, có thống kê lao động tăng giảm và thông báo các huyện đề xuất nội dung DN thực hiện tốt hoặc không tốt. Qua đó, tiến hành kiểm tra xử lý. Hiện nay, trong số các DN đang hoạt động thì có 6% là DN có trên 100 lao động, 63% DN dưới 10 lao động; còn lại 31% DN có từ 10 - 100 lao động.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng cho biết, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách này và kiến nghị khoanh nợ BHXH cũ cho các DN, đồng thời có cơ chế tháo gỡ vướng mắc với các DN phá sản, chủ bỏ trốn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Quang cảnh buổi làm việc.
Giám đốc BHXH tỉnh Thân Đức Lại cho biết, năm 2018, BHXH tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT với 37 cơ sở KCB. Trong đó có: 22 cơ sở KCB công lập (10 cơ sở KCB tuyến tỉnh, 12 cơ sở KCB tuyến huyện và tương đương); 15 cơ sở KCB ngoài công lập (bao gồm 04 bệnh viện và 11 phòng khám đa khoa). Trong 6 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh đã tổ chức giám định và thanh quyết toán cho trên 1.450 nghìn lượt KCB BHYT, tăng 92 nghìn lượt (tỷ lệ tăng là 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, với tổng chi phí 634 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng (tương ứng 19%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng chi KCB BHYT của tỉnh là 798 tỷ đồng, đã sử dụng 50,6 % so với dự toán Chính phủ giao (Dự toán chính phủ giao là 1.577 tỷ đồng).
Những năm gần đây, BHXH tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quản lý quỹ BHYT, liên tục diễn ra bội chi với số tiền lớn. Dự kiến, bội chi quỹ KCB BHYT năm 2018 là khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Lý giải tình trạng tăng chi phí KCB BHYT, ông Thân Đức Lại cho rằng, nguyên nhân chủ yếu từ tăng giá viện phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, một phần do ảnh hưởng tác động của KCB thông tuyến huyện quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, một phần do tác động của việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) y tế mới.
Bên cạnh đó, do giá ngày giường bệnh cao, nên cơ sở KCB tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú. Năm 2016, tần suất bệnh nhân vào điều trị nội trú là 0,161%; năm 2017 là 0,167%, chênh lệch tăng là 0,006% tương ứng với số lượt tăng là trên 8 nghìn lượt với số tiền tăng lên là 20 tỷ đồng.
Đoàn giám sát thực hiện khảo sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Đặc biệt, việc quy định tự chủ về tài chính tại các cơ sở KCB thông qua xây dựng cơ cấu tiền lương, phụ cấp thường trực vào giá DVKT tạo áp lực về tài chính tại các cơ sở KCB, vì vậy cơ sở KCB tăng cường chỉ định DVKTđể tăng nguồn thu trả lương cho nhân viên y tế. Chỉ định DVKT cận lâm sàng, DVKT Đông y, phục hồi chức năng có xu hướng gia tăng; một số bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết xét nghiệm, tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích tế bào nước tiểu, điện tim; nhiều trường hợp chỉ định mang tính chất tầm soát và chưa phù hợp với quy định như: Xét nghiệm kiểm soát đường huyết HbA1C dưới 3 tháng/bệnh nhân,... chưa phù hợp với chẩn đoán và các văn bản quy định; chỉ định rộng rãi DVKT cận lâm sàng như: Ure, creatinin máu (chức năng thận), SGOT, SGPT (chức năng gan), Bilan Lipid (mỡ máu), Điện tâm đồ...
Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đã chỉ rõ một số vấn đề bất cập trong khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ chỉ định điều trị nội trú tại một số cơ sở y tế cao như: Bệnh viện sản nhi Bắc Giang 70%, Bệnh viện phổi Bắc Giang 61,53%, Bệnh viện đa khoa tỉnh là 26,6%; trong khi toàn quốc là 8,98%. Tần suất chỉ định một số dịch vụ kỹ thuật cơ bản cao hơn toàn quốc: Tần suất siêu âm ổ bụng là 12% (toàn quốc là 9%); Xét nghiệm men gan là 32% (toàn quốc là 24%); Tổng phân tích nước tiểu toàn phần là 16% (toàn quốc là 8%)… Một số chỉ định điều trị nội trú chưa hợp lý như: Năm 2017 có 336 lượt điều trị nội trú không sử dụng thuốc, không làm thủ thuật có tỷ lệ tiền giướng lớn hơn 80%; 7 tháng năm 2018 có 175 lượt điều trị nội trú không sử dụng thuốc, không làm thủ thuật… Tỷ lệ phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường. Bình quân ngày giường nội trú cao…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đề nghị, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, phân tích các nguyên nhân, tìm giải pháp cho tình trạng bội chi và vượt quỹ, đảm bảo an toàn quỹ và quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Để kiểm soát gia tăng chi phí KCB BHYT trong những tháng cuối năm, bên cạnh sự chủ động của cơ quan BHXH, BHXH tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế và các cơ sở KCB hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, tăng cường nguồn nhân lực y tế theo hạng bệnh viện để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng tham gia BHYT; xây dựng và đưa các tiêu chí quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, tiết kiệm; ngành y tế và các ngành liên quan thanh kiểm tra các cơ sở KCB có tình trạng mất cân đối quỹ BHYT lớn, vượt dự toán giao hoặc gia tăng chi phí KCB BHYT đột biến…
Lý giải về tình trạng vượt quỹ, đại diện Sở Y tế Bắc Giang cho biết có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh thực hiện các giải pháp quyết tâm giảm thiểu nguy cơ vượt quỹ KCB BHYT.
Giám đốc BHXH tỉnh Thân Đức Lại báo cáo tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh khẳng định tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH, BHYT là hai chính sách an sinh xã hội đặc biệt. Tỉnh muốn phát triển bền vững phải quan tâm đến các chính sách này. Đây không phải là việc riêng của cấp, ngành nào mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, trước những bất cập phát sinh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nhanh chóng tìm các giải pháp, quyết tâm không để tình trạng vượt quỹ xảy ra; cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các chính sách liên quan.
Kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Lê Chiêm đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua và yêu cầu cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện toàn diện và đồng bộ các giải pháp quản lý quỹ BHXH, BHYT, bảo đảm chi trả đúng đối tượng thụ hưởng.
Thượng tướng Lê Chiêm đề nghị, các cấp, ngành của tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm, xác định chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT là chỉ tiêu quan trọng phát triển kinh tế xã hội của địa phương; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, DN và mỗi người dân theo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Chủ động kinh phí của địa phương để hỗ trợ đóng cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện để đông người dân được thụ hưởng. Ngành y tế cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng sự hài lòng của nhân dân. Ngành BHXH đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, DN. Để khắc phục tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, Thượng tướng Lê Chiêm cũng đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an cần đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm, khắc phục tình trạng gia tăng chi phí khám, chữa bệnh không cần thiết, trái quy định./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT