Chính phủ quy định chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH
05/04/2016 12:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHthất nghiệp, BHYT của cơ quan BHXH.
Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT gồm: BHXH Việt Nam; BHXH cấp tỉnh.
Về nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, hằng năm, căn cứ định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, BHXH Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
BHXH Việt Nam sẽ thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giao.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của của BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh. Đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Hằng năm, căn cứ định hướng chương trình thanh tra của BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tại địa phương, BHXH cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn tỉnh.
BHXH cấp tỉnh sẽ thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT hoặc khi được người đứng đầu BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn tỉnh giao.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trong thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Cụ thể, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Kiến nghị xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng có chức năng kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định xử phạt các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Về nội dung, nguyên tắc hoạt động thanh tra, cụ thể: Nội dung thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gồm: Đối tượng đóng; Mức đóng; Phương thức đóng.
Nguyên tắc hoạt động thanh tra là phải tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, thuộc chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao. Am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nơi công tác. Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Có ít nhất 1 năm làm công tác chuyên môn liên quan đến hoạt động đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (không kể thời gian tập sự).
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được cấp trang phục và thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016.
Nguồn Website BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT