Thực hiện BHXH, BHYT từ năm 2016: Những thay đổi quan trọng
30/12/2015 04:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 1/1/2016, Luật BHXH (sửa đổi) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới trong mức đóng, cách tính tiền lương đóng BHXH bắt buộc của NLĐ…; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sau một năm triển khai tiếp tục thực hiện lộ trình mở rộng quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia. Nhiều quy định mới lần đầu tiên được thực hiện trong 2 Luật này đều hướng tới đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người tham gia.
Lộ trình phù hợp
Theo Luật BHXH (sửa đổi), từ 1/1/2016 sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, phân chia lộ trình theo từng nhóm đối tượng. Cụ thể, cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất), người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi) thực hiện từ 2016; NLĐ theo HĐLĐ có thời hạn từ 1-3 tháng (từ 2018); Lao động là người nước ngoài (2018).
Bà Trần Thị Thúy Nga- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật BHXH năm 2006 đã quy định, NLĐ đi làm ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc nếu trước đó có tham gia BHXH bắt buộc. Trong Luật BHXH năm 2014, họ vẫn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, nhóm này chỉ tham gia 2 chế độ hưu trí và tử tuất, vì những chế độ ngắn hạn như TNLĐ, BHYT, ốm đau… đều đã hưởng ở nước tới làm việc. Bà Nga cũng nêu thực tế: Không phải tất cả các quốc gia Việt Nam gửi lao động đi làm việc đều có BHXH. Lao động Việt Nam ra nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc và ngược lại, người nước ngoài vào Việt Nam cũng vậy. Đây là cơ hội cho NLĐ ở bất kỳ quốc gia nào cũng có cơ hội đóng BHXH để hưởng lương hưu sau này. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng BHXH trên nền tiền lương với mức 2 lần tiền lương cơ sở, không quá cao để gây khó khăn cho NLĐ.
Một trong những điểm được quan tâm nhất của Luật BHXH (sửa đổi) là các nội dung liên quan đến mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo lộ trình của Luật, trong năm 2016, tỉ lệ đóng BHXH bắt buộc vẫn giữ mức ổn định theo quy định đã được thực hiện từ 1/1/2014 đến nay với tổng tỉ lệ đóng là 26% tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể: NLĐ đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người SDLĐ đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ TNLĐ, BNN; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).
Về tiền lương tháng đóng BHXH, hiện tại, NLĐ đóng BHXH bắt buộc trên nền tiền lương cơ bản. Đối với NLĐ thuộc đối tượng hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định là lương cơ sở nhân với hệ số. Với lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định là mức lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Theo đó, Luật không thay đổi tiền lương để tính đóng BHXH của những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (CCVC nhà nước hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2014).
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định sẽ thực hiện theo lộ trình: từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương và cộng thêm khoản phụ cấp ghi trong HĐLĐ. Từ 1/1/2018 trở đi, đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong HĐLĐ. Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Như vậy, so với quy định tại Luật BHXH năm 2006, các điểm mới theo quy định này là: NLĐ trong DNNN, hưởng lương theo hệ số quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004 từ 1/1/2016 sẽ tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong HĐLĐ như những NLĐ làm việc trong DN khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa 2 khu vực. Đồng thời, tiền lương đóng BHXH từ 1/1/2016 là tiền lương ghi trong HĐLĐ, gồm thêm phụ cấp lương, và từ 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Căn cứ xác định mức tiền lương sẽ theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm các khoản: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác (trừ: tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ người kết hôn…). Mức lương của NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động phải qua đào tạo, học nghề phải được xây dựng cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng; Mức lương công việc nặng nhọc độc hại phải cao hơn ít nhất 5% so với điều kiện lao động bình thường, đặc biệt nặng nhọc độc hại thì cao hơn ít nhất 7%.
Xử lý nghiêm vi phạm về BHXH
Theo BHXH Việt Nam, những quy định để đảm bảo tính khả thi của Luật BHXH (sửa đổi) là hệ thống các văn bản pháp luật quy định liên quan đã được xây dựng khá đầy đủ và đang có hiệu lực thi hành như: HĐLĐ, vi phạm hành chính về lao động, BHXH. Cụ thể, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 đều có quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính về lao động.
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến NLĐ
Theo đó, hành vi vi phạm về giao kết HĐLĐ gồm: Không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; Không giao kết đúng loại HĐLĐ; Giao kết không đầy đủ các nội dung HĐLĐ.
Hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền lương gồm: Người SDLĐ không gửi thang bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; Không xây dựng thang bảng lương, định mức lao động hoặc có xây dựng nhưng không đúng quy định của pháp luật; Sử dụng thang bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; Không công bố công khai tại nơi làm việc thang bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; Trả lương không đúng hạn.
Hành vi vi phạm về đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp gồm: NLĐ có hành vi thỏa thuận với người SDLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; Chậm đóng; Đóng không đủ số người; Đóng không đúng mức.
Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định các hành vi vi phạm về đóng BHXH bao gồm: Trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp; Chậm đóng tiền BHXH, BH thất nghiệp; Chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp. Theo quy định tại Điều 122 của Luật BHXH, người SDLĐ, NLĐ có hành vi vi phạm nêu trên từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH (gấp đôi so với lãi suất tính lãi quy định tại Luật BHXH năm 2006). Luật cũng giao cho cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT.
Gỡ vướng cấp thẻ BHYT
Đề cập một số khó khăn trong việc cấp thẻ BHYT năm 2016, tổng hợp của BHXH Việt Nam cho biết: Đến thời điểm ngày 15/12/2015, về cơ bản các đối tượng tham gia BHYT đã được cấp thẻ BHYT sử dụng trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn 16,2 triệu người thuộc 5 nhóm đối tượng do NSNN đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT chưa được cấp, bao gồm: 3,76 triệu người thuộc hộ gia đình nghèo; 2,92 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng; 6,99 triệu người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế- xã hội khó khăn; 2,46 triệu người sinh sống ở vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; 90.000 người sinh sống ở xã đảo, huyện đảo.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo BHXH Việt Nam là do sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến từng nhóm được hỗ trợ. Cụ thể, mặc dù đã có Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020, quy định đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo thuộc diện được cấp thẻ BHYT, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay liên bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đối tượng đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT (theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ) và người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT (Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013- 2015), hiện vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cho năm 2016.
Để tháo gỡ các vướng mắc này, ngày 15/12/2015, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 5102/BHXH-BT gửi Bộ Y tế. Tiếp theo, ngày 23/12/2015 BHXH Việt Nam cũng có văn bản số 5187/BC-BHXH đề nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ theo hướng cho phép các nhóm đối tượng nêu trên tiếp tục được hưởng các quyền lợi KCB BHYT đến hết ngày 30/6/2016; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Cũng trong ngày 23/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành (Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế, BHXH Việt Nam....) về nội dung trên và chỉ đạo các bộ, ngành sau khi kết thúc cuộc họp, có ý kiến để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn đến hết 30/6/2016.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc kịp thời hướng dẫn và đề xuất với Chính phủ quyết định chính sách cho những đối tượng nêu trên được hưởng chính sách BHYT giai đoạn 2016- 2020.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT