Nỗ lực trong triển khai quy định của Luật BHYT
23/12/2015 04:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 22/12/2015, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên gia về việc triển khai thực hiện một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT). Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam, đại diện một số bệnh viện trên cả nước… Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi Quốc hội thông qua Luật BHYT và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015, Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện chính sách này.
Năm 2014 và 2015, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng, ban hành và trình ban hành 01 Nghị định, 02 Thông tư liên tịch và 06 Thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT; Trình Thủ tướng Chính phủ Công điện số 01/2015/CĐ-TTg ngày 01/01/2015 về việc triển khai thi hành Luật BHYT; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHYT; Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 về giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2015 – 2020. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng; Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế,vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Bộ Y tế cũng phối hợp với BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các hình thức: hội nghị, tọa đàm, phóng sự, thông tin báo chí, đối thoại chính sách, giao lưu trực tuyến,…; Định kỳ họp báo, cung cấp thông tin về Luật BHYT tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo, Hội nghị giao ban các Tổng biên tập các cơ quan báo chí; Xây dựng các chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương, các tổ chức Hội để phối hợp vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHYT.
Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức 04 Hội nghị phổ biến, tập huấn Luật BHYT tại hai miền; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 04 Hội nghị tập huấn các quy định mới về BHYT cho hệ thống cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên của 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ, Ngành, UBND các tỉnh tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT đối với 12 tỉnh có tỷ lệ tham gia thấp nhằm xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ toàn dân.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức 07 đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT tại 21 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra và tổng hợp thông tin phản ánh từ địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn cụ thể việc triển khai thi hành Luật như: công tác tuyên truyền, tổ chức lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình,…
Qua đó, tỷ lệ bao phủ BHYT BHYT đã có bước chuyển biến rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ bao phủ đạt 68,8% dân số thì năm 2014 tỷ lệ bao phủ là 71,6% dân số và 09 tháng đầu năm 2915, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 73,7% dân số. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình là 8,799 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm 2014.
Sau gần một năm thực hiện Luật đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách BHYT; Tuy nhiên, cả Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều có chung nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Tống Thị Song Hương, thực hiện Luật BHYT đã có sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính trị, đã có 35 địa phương quan tâm hỗ trợ 30% mức đóng còn lại của người tham gia BHYT nhưng vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT mà giao khoán công việc cho Sở Y tế và BHXH ở địa phương; Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT. Khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là y tế cơ sở….
Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Về công tác phát triển đối tượng, vẫn còn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện đối với lao động là người nước ngoài tham gia BHYT; Tỷ lệ tham gia BHYT của những đối tượng bắt buộc phải tham gia vẫn còn thấp; Tình trạng trốn đóng, nợ tiền BHXH hiện nay vẫn diễn ra ở khắp nơi dẫn đến quyền lợi tham gia BHYT của người lao động không được đảm bảo; Nhóm tham gia theo hộ gia đình vẫn còn thấp do quy định tất cả các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT…
Các chuyên gia tham gia Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT, tin học hóa BHYT, chuyển tuyến khám chữa bệnh, chính sách ưu tiên cho y học cổ truyền, thực hiện BHYT hộ gia đình,…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, sau 1 năm thực hiện Luật BHYT đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn một số vướng mắc cần giải quyết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị, Bộ Y tế và BHXH phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; Hai ngành cần tiếp tục các giải pháp phù hợp trong thực hiện Luật BHYT, tập trung đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT