Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm: "BHYT là sẻ chia, mang tính nhân văn lớn"
10/09/2015 07:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện đóng BHYT theo quy định mới. Từ năm học 2015, mỗi học sinh phải đóng 434.700 đồng, tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở thay vì 3% như quy định trước đây; cũng như phải đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước. Với sự điều chỉnh như vậy, ngay từ đầu năm học, các phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Website BHXH Việt Nam trân trọng tổng hợp một số quan điểm của TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế trả lời một số cơ quan báo chí xung quanh nội dung này.
Theo TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, việc tổ chức thu, đóng BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên đã được liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn trong thông tư liên bộ. Theo hướng dẫn mới này thì việc thu BHYT sẽ được thực hiện theo năm tài chính (nghĩa là từ ngày 1-1 đến 31-12 hàng năm) thay vì trước đây thu BHYT học sinh, sinh viên theo năm học. Khi bắt đầu thực hiện hướng dẫn mới này trong năm thì phát sinh một giai đoạn chuyển tiếp, cụ thể là từ nay đến hết năm 2015. Chính vì vậy mà nhiều nơi muốn tạo thuận lợi cho việc thu, đóng BHYT, giảm thời gian cũng như thủ tục hành chính nên có trường học đã thu luôn phí BHYT của 3 tháng cuối năm nay, lẫn 12 tháng của năm sau thành 15 tháng. Việc thu như thế vô tình tạo ra áp lực ban đầu khi các gia đình phải đóng nhiều khoản tiền cho con vào đầu năm học.
Trước một số ý kiến bày tỏ lo ngại về sự gia tăng chi phí khi thực hiện đóng BHYT theo quy định mới sẽ tạo sức ép kinh tế đối với các gia đình khi họ thực hiện đóng BHYT cho con em mình là HSSV, TS. Lê Văn Khảm nêu rõ, việc đóng BHYT trên mức lương cơ sở chính là dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội. Hiện nay, toàn bộ HSSV đã được NSNN hỗ trợ mức đóng. Cụ thể, HSSV là con em gia đình nghèo, đối tượng cận nghèo sinh sống ở cùng khó khăn được NSNN hỗ trợ 100%; HSSV thuộc hộ cận nghèo còn lại được hỗ trợ 70%, nhưng hiện đã có tới 33 tỉnh, thành phố dùng NS địa phương hỗ trợ 30% mức phí còn lại. Ngoài ra còn có con em sĩ quan quân đội, sĩ quan công an cũng được hỗ trợ thẻ BHYT… Các đối tượng HSSV còn lại khi tham gia BHYT cũng được NSNN gỗ trợ 30%. Vì vậy, tôi cho rằng việc tăng mức đóng BHYT HSSV tác động đến kinh tế hộ gia đình không lớn.
Về việc một số phụ huynh học sinh cho rằng đa số thẻ BHYT học sinh, sinh viên được mua nhưng lại không sử dụng đến, thu cao thì phạm vi quyền lợi của người có BHYT chắc chắn lớn hơn khi đi khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế sẽ tốt hơn và mức thu này đã được tính toán cân đối khả năng đáp ứng của hộ gia đình. Hơn nữa, luật cho phép chúng ta điều chỉnh mức thu tới 6% mức lương cơ sở với nhóm học sinh, sinh viên nhưng trước mắt chỉ thu tới 4,5% vì cân đối điều kiện kinh tế - xã hội. Việc nhiều phụ huynh băn khoăn khi điều chỉnh mức đóng BHYT, quyền lợi của học sinh có được điều chỉnh theo hay không, chất lượng dịch vụ có thay đổi không. Cái này đã thể hiện rất rõ trong văn bản luật, nhiều nội dung dịch vụ khám chữa bệnh trước BHYT không chi trả được vì điều kiện tài chính của Quỹ BHYT, tuy nhiên giờ đã mở rộng ra và học sinh, sinh viên sẽ có quỹ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hơn nữa, cũng phải thấy rõ ràng rằng việc đóng BHYT cũng là cách để người dân, học sinh chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa, người bệnh khác khi họ phải sử dụng tới dịch vụ của BHYT. Nhiều người cho rằng, không mấy khi dùng đến thẻ BHYT, TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là điều may mắn vì không ai muốn sử dụng dịch vụ y tế trừ khi bắt buộc phải có nhu cầu. Khi không dùng, tức là đang chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng vì ý nghĩa của BHYT là sẻ chia, mang tính nhân văn lớn.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT