BHYT học sinh, sinh viên: Đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên

09/09/2015 07:27 AM


Đó là khẳng định của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương khi trao đổi với một số cơ quan báo chí xung quanh việc tăng thu BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) và thu theo năm tài chính như hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính tại Thông tư 41.

ndKhuong 090915.jpg
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương

PV: Thưa ông Nguyễn Đình Khương, xin ông cho biết, vì sao mức đóng BHYT HSSV năm học 2015 – 2016 tăng từ 3% lên 4,5%?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Trong những năm gần đây, Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế, chi phí KCB tăng lên, đồng thời với việc chất lượng KCB cũng tăng lên tất nhiều. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế, Nhà nước đang điều chỉnh dần giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các dịch vụ y tế. Chính vì vậy, mức đóng BHYT ở một số lĩnh vực được điều chỉnh tăng lên. Mức đóng của một số đối tượng như HSSV, người nghèo, người cận nghèo được điều chỉnh từ 3% tăng lên 4,5% so với lương cơ bản.

Đối tượng HSSV đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% là tự đóng. Như vậy, từ năm học này, mỗi năm một HSSV đóng phí BHYT 434.700 đồng. Mức đóng này sẽ được giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 30% theo quy định.  Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT của địa phương chưa sử dụng hết trong các năm trước để hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng, kể cả đối tượng HSSV.

PV: Thưa ông, ông có thể nói cụ thể hơn những lợi ích của việc điều chỉnh này đối với HSSV?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Việc điều chỉnh mức đóng để đảm bảo chi phí KCB chung cho tất cả người tham gia BHYT, trong đó có quyền lợi của HSSV. Chúng ta dựa vào nguồn lực của Nhà nước, của những người tham gia BHYT để nâng cao kỹ thuật chuyên môn của Ngành Y tế lên.

Đối với HSSV thuộc các đối tượng khác (như người nghèo, người cận nghèo, thân nhân người có công, thân nhân lực lượng vũ trang…) thì tham gia tại các nhóm này và xuất trình thẻ BHYT cho cơ sở giáo dục khi lập danh sách tham gia BHYT để tránh cấp trùng thẻ BHYT.

HSSV khi đi khám chữa bệnh BHYT vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng HSSV là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công, thân nhân liệt sỹ).

HSSV tham gia BHYT 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB không đúng tuyến) được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học. Theo đó, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đủ điều kiện được trích kinh phí để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).

PV: Năm học 2015 – 2016, với việc điều chỉnh mức đóng BHYT tăng lên như vậy thì tỷ lệ tham gia BHYT HSSV năm nay có giảm không thưa ông? Mục tiêu hướng tới lộ trình BHYT toàn dân sẽ như thế nào?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Hiện nay, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên cả nước chiếm trên 90%. Việc điều chỉnh mức đóng BHYT HSSV sẽ không bị ảnh hưởng. HSSV đã quen với BHYT và đã thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT. Cùng với việc vận động xã hội, quyền lợi các em được hưởng trong thời gian qua sẽ giúp cha mẹ học sinh tham gia BHYT cho các em.

HSSV 090915.jpg
HS trường THCS Bắc Lý, Hà Nam

PV: Năm học 2015 – 2016, việc thu BHYT được thực hiện 15 tháng. Ông có thể giải thích rõ về điều này?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Trước đây, Nhà nước quy định thu BHYT HS là thu theo năm học, từ tháng 9 năm nay đến tháng 9 năm sau. Theo quy định mới của Liên Bộ Y tế - Tài chính, từ năm học 2015-2016 thu theo năm tài chính, tức là từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm đó. Năm nay là năm giao thời trong lúc chuyển từ cách thu cũ sang cách thu mới nên có dư ra 3 tháng. Cộng 3 tháng của năm 2015 với 12 tháng của năm 2016 nữa là 15 tháng. Theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng BHYT của HSSV là 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Định kỳ 6 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số lượng thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu BHYT của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ, gửi cơ quan Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHYT.

Nếu chúng ta thu cùng một lúc, 15 tháng sẽ rất tiện ích nhưng sẽ gây áp lực cho phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn cho nhóm đối tượng là HSSV tham gia BHYT năm học 2015-2016, BHXH Việt Nam kiến nghị Liên Bộ Y tế - Tài chính cho thực hiện thu BHYT HSSV linh hoạt hơn. Cụ thể, năm 2015 tạm thời thu 3 tháng, sang năm 2016, có thể phân ra thu theo học kỳ 6 tháng 1 lần để giảm áp lực về các khoản phí đóng đầu năm học cho cha mẹ học sinh.

BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngày càng thực hiện tốt hơn chính sách BHYT, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

PV: Một số ý kiến phụ huynh cho rằng, HSSV đã tham gia bảo hiểm thân thể do gia đình mua rồi thì không cần tham gia BHYT nữa. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo Luật. Nếu phân tích về ý nghĩa xã hội cũng như hiệu quả thì tham gia bảo hiểm thân thể HS theo các loại hình thương mại, đã là bảo hiểm thương mại bao giờ cũng hướng tới lợi nhuận, thu bao nhiêu thì khi chi trả sẽ tương xứng bấy nhiêu. Khi tham gia BHYT học sinh là tham gia chính sách xã hội, cơ quan tổ chức quản lý học sinh và cơ quan thực hiện chính sách BHXH không tính yếu tố lợi nhuận trong đó. HS tham gia BHYT thì mức thanh toán chi phí KCB là rất lớn; có thể lớn hơn hàng trăm, hàng nghìn lần mức đóng vào quỹ BHYT. Các loại hình bảo hiểm thương mại khác không bao giờ có mức chi trả kinh phí KCB cao như vậy. Tôi có lời khuyên đối với các bậc cha mẹ học sinh nên cho con em mình tham gia BHYT thì sẽ có lợi hơn.

Mặt khác, BHYT mang tính cộng đồng rất cao. BHYT san sẻ giữa người khỏe với người yếu, người trẻ với người già, người không có bệnh với người có bệnh. Do đó, trách nhiệm tham gia BHYT là trách nhiệm của cộng đồng, của toàn dân. Ngay người trẻ là HSSV tham gia BHYT là để lo cho người già. Nay mai, khi các em HSSV về già, lại sẽ có lớp trẻ khác đóng BHYT để hỗ trợ họ. Hơn nữa, việc tham gia BHYT còn giáo dục cho các em trách nhiệm với cộng đồng, tính chia sẻ, tính trách nhiệm với bản thân và xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN