Nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành Luật

04/05/2015 07:18 AM


Đây là một trong những ý kiến trao đổi của Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) tại Tọa đàm "Bảo hiểm xã hội - Từ chính sách đến cuộc sống" do BHXH Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vừa mới phát sóng trên kênh VTV1 trong Chương trình "Đối thoại và chính sách”.

Cần bám sát nhu cầu của người lao động

PV: Thưa ông Đặng Ngọc Tùng, xung quanh sự kiện một số công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đình công, yêu cầu giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần hiện hành; về góc độ cơ quan đại diện cho quyền lợi của người lao động(NLĐ), ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Điều 60 của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, được đánh giá là tiến bộ, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH cho đến tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Một số công nhân công ty TNHH PouYuen đã phản ứng với Điều 60 vì chưa đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận công nhân làm việc trong khu vực dệt may, hay da giầy là muốn được hưởng chế độ BHXH một lần...

PV: Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, nếu phân tích kỹ thì rất có lợi cho NLĐ, theo ông, tại sao người lao động một số tỉnh khu vực phía Nam vẫn không đồng tình và kiến nghị Chính phủ cho hưởng chính sách BHXH một lần?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Không phải là công nhân một số tỉnh phía Nam chưa đồng tình với Điều 60 mà là một bộ phận công nhân làm trong lĩnh vực dệt may, da giầy ở TP. Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang chưa đồng tình với điều này. Tuyệt đại đa số NLĐ làm trong khu vực dệt may, da giầy khó có đủ điều kiện để hưởng lương hưu vì không thể kéo dài thời gian lao động của họ; Khi NLĐ làm việc chừng 5 năm, 10 năm chủ doanh nghiệp sẽ sa thải để tuyển lao động khác. Những NLĐ này sẽ về quê làm ruộng, hay làm ngành nghề khác nên cần một khoản tiền để sinh sống. Về lâu dài, Điều 60 là có lợi nhưng lại chưa đáp ứng được nguyện vọng hưởng BHXH một lần của một bộ phận NLĐ.

PV: Thưa ông Đặng Ngọc Tùng, trước khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, cơ quan xây dựng Luật có tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức trong nước cũng như các tổ chức quốc tế, nhưng tại sao lại không lấy ý kiến của NLĐ một cách sâu rộng để có cái nhìn khách quan hơn và đưa ra được những phương án phù hợp với nguyện vọng của NLĐ?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Quy trình xây dựng Luật BHXH rất chặt chẽ, hoàn toàn tuân thủ theo Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật. Ý kiến cho rằng khi xây dựng Luật không lấy ý kiến của NLĐ là không đúng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐVN, VCCI và Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến của NLĐ. Chính tổ chức Công đoàn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập hợp nhiều ý kiến trong đó nhận thấy nếu thực hiện được Điều 60 có lợi hơn cho NLĐ. Tuy nhiêu, Điều 60 lại không phù hợp với tất cả các thành phần lao động, nhất là trong khu vực dệt may, da giầy. Tổng LĐLĐVN muốn dung hòa ý kiến này, vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời phù hợpvới chủ trương chung của Nhà nước nên kiến nghị để cho NLĐ chọn lựa; Có thể kéo dài thời gian nghỉ để được hưởng BHXH sẽ thuận lợi hơn cho NLĐ.

PV: Thưa ông Đặng Ngọc Tùng, để NLĐ hưởng chế độ BHXH một lần liệu có ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHXH hay hoạt động của cơ quan BHXH hay không?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Để NLĐ nghỉ lĩnh BHXH một lần không ảnh hưởng đến ngành BHXH, không ảnh hưởng đến quỹ BHXH. Dư luận cho rằng BHXH sợ vỡ quỹ mà không trả cho NLĐ là không đúng. Nếu NLĐ lựa chọn lĩnh BHXH một lần thay vì tiếp tục đóng để hưởng lương hưu là thiệt thời rất lớn cho NLĐ. Mỗi năm, tiền đóng BHXH để trả hưu trí tích lũy cho mỗi NLĐ là 2,6 tháng lương, nếu NLĐ đóng 10 năm thì tiền tích lũy vào đó là 26 tháng lương. Nếu NLĐ nghỉ việc nhận BHXH một lần là chỉ được 20 tháng lương. Để chia sẻ những bức xúc, nhu cầu của NLĐ không tiếp tục làm việc để tìm kế mưu sinh nên chúng tôi đề xuất, cho phép NLĐ hưởng BHXH một lần nếu họ lựa chọn.

Nâng cao chất lượng xây dựng Luật

PV: Sau khi sự việc đình công của công nhân Công tyTNHH PouYuen xảy ra, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến quy trình làm luật cần phải chặt chẽ hơn nữa. Thưa ông Đặng Ngọc Tùng, ông có ý kiến gì về điều này?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Tôi rất đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quy trình làm Luật cần phải chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là lấy ý kiến của các đối tượng được điều chỉnh bởi Luật và các chuyên gia am hiểu lĩnh vực. Thông qua quá trình lấy ý kiến, các cơ quan soạn thảo cũng như các Ủy ban của Quốc hội cũng có thêm thông tin và nghiên cứu để có căn cứ khoa học giúp các đại biểu Quốc hội tham vấn. Như thế sẽ tạo sự đồng thuận rất lớn khi Luật được thông qua và Luật mới thực sự đi vào cuộc sống.

PV: Thưa ông, hiện nay có nhiều Bộ Luật đang được chỉnh sửa, bổ sung theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, theo ông làm thế nào để khắc phục được triệt để hơn tình trạng là các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và thông qua nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của NLĐ?

Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Ban soạn thảo phải phân tích thật kỹ các ý kiến chưa đồng tình. Khi xây dựng Luật BHXH, nếu Ban soạn thảo nghiên cứu thật kỹ kiến nghị của tổ chức Công đoàn thì sẽ không xảy ra việc một bộ phận NLĐ phản đối Điều 60.

Khi các ý kiến chưa đồng tình được xem xét thật kỹ sẽ đi đến sự thống nhất cao nhất, khi đó việc thông qua Luật sẽ hoàn chỉnh hơn, được sự đồng tình hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN