Đưa chính sách BHXH, BHYT về với người dân
26/01/2015 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 21-24/1/2015, tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình đã diễn ra 8 cuộc đối thoại chính sách BHXH, BHYT với người dân. Chương trình đối thoại thu hút hơn 1.500 người dân tham gia. Nhiều băn khoăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương được cơ quan BHXH, Sở y tế địa phương giải đáp thỏa đáng.
Giải đáp những vướng mắc
Tại buổi đối thoại, một số khó khăn trong thời gian đầu triển khai chính sách BHYT theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi đã được các hội viên nông dân thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đề cập:
- Bà Phạm Thị Nga, phường Nam Sơn, Uông Bí băn khoăn: Gia đình tôi có 4 thành viên, theo quy đinh của Luật BHYT mới tất cả đều phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nhưng thực tế, kinh tế khó khăn, chúng tôi không thể tham gia cùng một lúc cho tất cả các thành viên. Tôi muốn mua trước cho 2 người, các thành viên còn lại sẽ tham gia vào dịp khác. Nhưng đại lý không bán, vì không đúng quy định ?
- Ông Trần Xuân Vinh, tổ 8 phường Nam Sơn (Uông Bí) đề nghị cơ quan BHXH lý giải: Ở nơi ông ở, có trường hợp, gia đình có 3 thành viên, người chồng đi tù, con trai đã có thẻ BHYT bắt buộc nhưng sống trong miền nam. Còn lại người vợ muốn tham gia BHYT nhưng đại lý không có cơ sở để bán, vì theo quy định của Luật phải tham gia theo hộ gia đình …?
Giải đáp thắc mắc trên, trưởng ban Tuyên truyền BHXH Việt Nam, ông Kiều Văn Minh cho biết: Theo quy định mới của Luật BHYT, nhóm đối tượng tự đóng phải tham gia theo hộ gia đình, nhà chị Nga có 4 thành viên phải tham gia cùng một thời điểm và được giảm mức đóng với tỷ lệ tương ứng. Người thứ nhất đóng là 621.000 đồng, người thứ 2, thứ 3, thứ tư lần lượt bằng 70%, , 60%, 50% mức của người thứ nhất. Tham gia theo hộ gia đình là để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm lẫn nhau giữa các thành viên. Việc tham gia không cùng thời điểm cho từng thành viên sẽ dẫn đến tình trạng lựa chọn “ngược” Điều đó không còn nhân văn. Tính ưu việt của chính sách BHYT là “đóng góp khi lành để dành khi ốm” và người khỏe mạnh, thuận lợi hơn về sức khỏe, chia sẻ rủi ro với người khác.
Ông Minh nhấn mạnh, mục đích của chính sách BHYT là không thương mại, chia sẻ rủi ro với người khác khi ốm đau, bệnh tật. Do vậy, điều kiện tham gia BHYT cũng khác với các loại hình BH thương mại. Đơn cử như khi người dân muốn tham gia bảo hiểm Prudential hoặc Bảo Việt, các công ty này luôn yêu cầu người muốn tham bảo hiểm phải đi khám sức khỏe để xác định có đủ điều kiện tham gia hay không. Nếu phát hiện người nào có bệnh nan y sẽ không được tham gia, hoặc tham gia không đầy đủ… như vậy rõ ràng là những doanh nghiệp này luôn đặt lợi ích của họ cao hơn lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Trong khi đó chính sách BHYT của nhà nước ta luôn lấy lợi ích của người tham gia là mục tiêu hướng tới. Vì vậy nhà nước động viên, khuyến khích mọi người trong xã hội cùng tham gia mà không cần một điều kiện ràng buộc nào. Trong bất kỳ trường hợp nào nếu ai có nguyện vọng đều được tham gia BHYT. Mặt khác các đối tượng thuộc diện chính sách, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT…, không những thế Luật BHYT sửa đổi, bổ sung còn khuyến khích tham gia BHYT theo Hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng cho mỗi thành viên, cũng là giảm trừ mức đóng cho Hộ gia đình khi cả gia đình cùng tham gia BHYT. Và điều đáng chú ý là, mặc dù mức đóng theo Hộ gia đình được giảm, nhưng quyền lợi của từng thành viên khi tham gia BHYT vẫn được đảm bảo theo quy định của Luật.
Đối với trường hợp gia đình chỉ còn một thành viên như trên, đại lý cần hướng dẫn đối tượng ra UBND xã xác nhận chồng hiện nay đang đi cải tạo và gửi thẻ BHYT của con trai đã tham gia thì người vợ vẫn được quyền tham gia BHYT theo hộ gia đình theo quy định của Luật.
- Bà Vũ Ngọc Yên, phụ nữ xã Tiền Hưng, Tiền Hải, Thái Bình đặt vấn đề: Để người dân hiểu và tham gia BHYT, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền để người dân hiểu trách nhiệm và quyền lợi của chính sách BHYT, thế nhưng khi đi KCB thủ tục còn rườm rà, vẫn còn tình trạng chưa hoàn toàn tạo thuận lợi cho người bệnh. Người dân muốn chuyển lên tuyến trên điều trị để đạt kết quả tốt hơn thì bệnh viện tuyến huyện giữ lại và không cho chuyển tuyến…?
Với câu hỏi này, đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Tiền Hải cho rằng: Bệnh viện đa khoa Tiền Hải là bệnh viện hạng II, luôn thực hiện đúng việc phân tuyến của Bộ y tế. Nếu những bệnh nằm trong khả năng xử lý của bệnh viện thì sẽ không chuyển, trừ khi người nhà viết giấy cam đoan. Thực tế, ở bệnh viện phần lớn người dân xin chuyển tuyến chủ yếu là những bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp...với những bệnh này, nếu chuyển tuyến trên thì chỉ quá tải và cũng không thể khỏi bệnh. Vì đây là bệnh không thể khỏi mà duy trì ở mức ổn định, thuyên giảm.
Bà Phạm Thị Ngắn, xã Tiên Phong, Tiền Hải hỏi: Hiện nay đối với những trường hợp như: tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích có được BHYT thanh toán hay không? Có tình trạng vào viện nhưng BHYT không có thuốc, người dân đi mua ngoài có được thanh toán lại tiền hay không? Thuốc KCB BHYT ỏ trạm y tế rất ít, chủ yếu là thuốc đau đầu, sổ mũi, đau bụng...đề nghị cơ quan BHXH cấp thuốc đa dạng thuốc tại trạm y tế cho người dân.
Đại diện BHXH Thái Bình giải đáp: Theo quy định mới của Luật BHYT, những trường hợp tai nạn giao thông, thương tích đều được hưởng quyền lợi khi vào viện. Cơ quan BHXH cũng chỉ thanh toán những loại thuốc nằm trong danh mục quy định. Riêng việc KCB BHYT tại trạm y tế, bà...cho rằng: Cơ quan BHXH khuyến khích người dân đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế để được gần nhà, thuận lợi. Cơ số thuốc ở trạm y tế phụ thuốc vào lượng thẻ đăng ký KCB ban đầu tại xã. Trạm y tế là cơ sở KCB ban đầu tuyến xã, chủ yếu khám và điều trị các loại bệnh thông thường, nếu người dân bị bệnh nặng, vượt quá chuyên môn sẽ được chuyển lên tuyến trên để tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao hơn và sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định.
Ông Kiều Văn Minh giải đáp thắc mắc của bà con tại Tiền Hải, Thái Bình
Về vấn đề thuốc trong danh mục, ông Kiều Văn Minh cũng nhấn mạnh thêm: Hiện nay, so với các nước đang phát triển thì người tham gia BHYT tại Việt Nam được quỹ BHYT thanh toán danh mục thuốc khá rộng rãi. Với 845 hoạt chất, 1064 thuốc tân dược, 57 thuốc chống phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Căn cứ vào danh mục và phân hạng bệnh viện, khả năng chi trả của quỹ BHYT để các bác sĩ có phác đồ điều trị hợp lý cho từng bệnh nhân theo nguyên tắc ưu tiên lựa chọn thuốc đơn chất, thuốc sản xuất trong nước.
Đưa chính sách về gần với dân
Bà Trần Thị Mai- Chủ tịch phụ nữ xã Bắc Hải, Tiền Hải (Thái Bình) nhận định: Luật BHYT mới sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 nên công tác tuyên truyền cũng cần có lộ trình, sau buổi đối thoại này chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT. Luật có nhiều điểm mới thay đổi mở rộng hơn trước. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động từng gia đình để họ tham gia. Bà Mai cũng mong muốn có nhiều cuộc đối thoại chính sách BHXH, BHYT về với người dân để những băn khoăn trong thực hiện chính sách tại cộng đồng được tháo gỡ, giải đáp rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để cuộc đối thoại hiệu quả hơn, bà Mai đề nghị cơ quan BHXH cần cung cấp thêm nhiều tài liệu đa dạng, phong phú giúp chúng tôi có cẩm nang vận động tuyên truyền với người dân.
Ông Đoàn Minh Sơn- Trưởng Ban kinh tế- xã hội, hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Hiện người dân chưa tham gia BHXH, BHYT cao có 2 nguyên nhân chính: Ngoài lí do kinh tế khó khăn, thu nhập còn thấp thì một số bộ phận dân cư vẫn chưa tiếp cận nhiều với chính sách BHXH, BHYT, họ chưa hiểu về quyền lợi cũng như trách nhiệm.
Thực tế Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh dù đã đưa tiêu chí tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 80% vào bình xét xã nông thôn mới nhưng hiện có nhiều xã không đạt tiêu chí này. Đơn cử như xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), sau nhiều năm phát động thì chỉ tiêu này vẫn chỉ dừng lại ở con số 73%. Năm 2014, hội Nông dân huyện phối hợp với cơ quan BHXH thay đổi hình thức tuyên truyền, cứ 10 ngày/1 lần cán bộ hội Nông dân và BHXH huyện lấy danh sách những người dân chưa tham gia BHYT để trực tiếp nói chuyện, vận động.
Phó giám đốc BHXH huyện, ông Nguyễn Xuân Hưng nói: “Ban đầu chúng tôi lựa chọn những người dân có thu nhập ổn định tham gia trước, sau đó tiếp tục vận động những người có kinh tế khó khăn tham gia. Nhưng người dân đưa ra rất nhiều lí do, sức khỏe của tôi rất tốt, không bao giờ bị ốm đau, mệnh giá thẻ BHYT cao so với thu nhập người dân...Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã mời những đối tượng tham gia BHYT không may mắc bệnh vào viện và được thanh toán với số tiền có chi phí lớn hàng trăm triệu đồng đi tuyên truyền, thuyết phục. Với cách làm như vậy, sau một năm tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã từ 73% lên tới 85% dân số tham gia BHYT.
Ông Sơn cũng cho biết: Năm 2015, người nông dân là nhóm đối tượng tự đóng bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Như vậy khi đã thành Luật thì họ phải nghiêm túc thực hiện, tuy nhiên công tác tuyên truyền, vận động vẫn rất quan trọng. Ngoài các biện pháp như tư vấn, đối thoại, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường thì cán bộ BHXH cũng như các Ban, Ngành, tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương cần trực tiếp về với dân để giúp cho mỗi người dân hiểu rõ được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hiểu rõ được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, từ đó mà tự giác, chủ động tham gia. Đây chính là cách làm đã đem lại thành công ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT