Cần phát huy hiệu quả tuyên truyền BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng
03/10/2014 09:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là chỉ đạo của đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ tại Hội thảo "Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị", do Báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức sáng 02/10/2014, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đưa ra cái nhìn tổng thể trong việc triển khai và thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 21 vào đời sống trong thời gian qua, trong đó tập trung nhấn mạnh vào hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Hội thảo do đồng chí Thuận Hữu- Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, và đồng chí Nguyễn Thị Minh- Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành TƯ; các Sở, Ban, và BHXH các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Bình Dương.
BHXH và BHYT là những chủ trương, chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể hoá quan điểm này của Đảng, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng như sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT. Nghị quyết còn xác định rõ tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; và đặc biệt đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT, theo đó thực hiện BHXH cho mọi NLĐ và tiến tới BHYT toàn dân. Để đạt được những mục tiêu này, thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Công tác tuyên truyền, không chỉ triển khai để các cấp, các ngành, mỗi tập thể và cá nhân nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, mà còn nhận rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.
Đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nhấn mạnh, sau gần hai năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo ra bước chuyển quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT với tỷ lệ bao phủ của hai hình thức bảo hiểm ngày càng tăng lên, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo tốt hơn, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện. Đồng chí cũng ghi nhận và biểu dương BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Đồng thời, đồng chí cũng đánh giá cao tinh thần tận tuỵ, sáng tạo của đội ngũ làm công tác báo chí, truyền thông trong và ngoài Ngành BHXH trong việc tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn gặp nhiều vướng mắc và tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Do đó, đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, BHXH Việt Nam, BHXH các cấp phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành ở TƯ và cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc và đồng bộ hơn nữa.
Các bộ, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể ở TƯ, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần đề cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát của tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT và phát hiện những hạn chế, yếu kém, sai phạm, kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, nhân rộng những nhân tố tích cực trong cộng đồng.
Bên canh đó, nội dung tuyên truyền cần bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; bám sát thực tiễn, nắm bắt dư luận xã hội, phát hiện những bất cập trong chính sách và triển khai thực hiện chính sách để có những đề xuất, khắc phục kịp thời. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Cần phát huy hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của các báo cáo viên và vai trò, ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề cấp thiết về BHXH, BHYT mà nhân dân đang quan tâm như: các giải pháp chống vỡ quỹ BHXH; vấn đề xác định tuổi nghỉ hưu bảo đảm thống nhất với Bộ Luật Lao động, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm an toàn cho nguồn quỹ BHXH; vấn đề đổi mới trong thực hiện chi trả BHXH, BHYT bảo đảm lợi ích, sự thuận tiện, bình đẳng, đúng quy định của pháp luật cho các đối tượng thụ hưởng và các bên liên quan, xử lý những vi phạm về BHXH và BHYT…
Đồng chí Thuận Hữu- Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu tại Hội thảo
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Thế Huynh, phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” là hết sức cần thiết. Trong quá trình đưa Nghị quyết số 21 cũng như chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với hệ thống tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và BHXH các địa phương, có thể nói, trong thời gian qua, báo chí đã đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, cũng như tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những quan điểm và mục tiêu trong Nghị quyết số 21. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH, BHYT. Đồng thời, báo chí cũng là kênh thông tin chỉ ra những mặt bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương trong cả nước. Từ đó, đã có những đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT… Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, phản biện của báo chí có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng xây dựng và hoàn thiện Luật BHYT sửa đổi (được Quốc hội khóa 13 thông qua) và dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
Nêu bật vai trò của công tác tuyên truyền, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, công tác tuyên truyền thực thi pháp luật BHXH, BHYT là tiền đề quyết định hiệu quả của công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền về an sinh xã hội của công dân theo quy định Hiến pháp, đồng thời gắn liền với hiệu quả thực thi các chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ BHXH, BHYT. Đồng thời, TS Bùi Sỹ Lợi cũng khẳng định, trách nhiệm tổ chức tuyên truyền trước hết là thuộc về các cơ quan quản lý, thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Nhưng bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử cũng góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Trần Thị Thúy Nga và Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Tống Thị Song Hương đồng quan điểm khi nhận định, đối với công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thì công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp là rất quan trọng.
Trong chương trình, Hội thảo đã nghe 08 tham luận từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đại diện một số bộ, ban, ngành và địa phương tập trung vào các nội dung chính: Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước và các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT; Kinh nghiệm và các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới... Các ý kiến đã cơ bản nêu được thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian qua, đánh giá kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, những hạn chế, tồn tại trong triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, từ đó xác định định hướng của công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội thảo đã chỉ ra được những nội dung cốt lõi trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là: làm sao để các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể từ TƯ đến cơ sở và mọi người dân hiểu sâu sắc những quan điểm và mục tiêu của Nghị quyết, hiểu được vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, ủng hộ lộ trình mở rộng và hoàn thiện chế độ BHXH, BHYT phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,…
Đồng chí Nguyễn Thị Minh- Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, việc đánh giá chính xác thực tiễn của công tác tuyên truyền trong thời gian qua, xác định ý nghĩa, mục đích, vai trò của công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và đưa ra các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong thời gian tới là thành công rất lớn của Hội thảo. Sau Hội thảo này, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Báo Nhân dân báo cáo kết quả Hội thảo với Ban Tuyên giáo TƯ và đề nghị Ban Tuyên giáo TƯ lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống cơ quan tuyên giáo, hệ thống cơ quan báo chí và các cấp ủy đảng, chính quyền quyết liệt triển khai, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhằm phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện và đảm bảo công tác an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ là những đối tác tin cậy và mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT, tạo nên sức mạnh trong bộ máy tuyên truyền về BHXH, BHYT, đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần với nhân dân.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương báo cáo tại Hội thảo
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hôi, ....
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ...
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, ...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ....
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT