Thu, nợ BHXH, BHYT- thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế
15/10/2014 08:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 15/10/2014, tại Hà Nội, Chính phủ phối hợp cùng Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT – thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo BHXH Việt Nam, đại diện một số UBND tỉnh, thành phố, cùng một số tổ chức quốc tế.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc đã tăng từ 2,2 triệu lên trên 11 triệu; tốc độ tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2008 -2013, số người tham gia BHYT tăng thêm 48 triệu, hiện chiếm khoảng 71% dân số, tương đương trên 63 triệu người. Số thu BHXH, BHYT cũng liên tục tăng nhanh trong các năm qua. Chỉ tính riêng số thu BHXH bắt buộc đến hết năm 2013 đã tăng gấp 132 lần so với năm 1995, tương đương 104.230 tỷ đồng. Đó là những kết quả khẳng định hiệu quả đổi mới, thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu BHXH, BHYT đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đưa ra những con số phản ánh tình hình nợ đọng BHXH, BHYT hiện nay. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2014, có trên 47.000 đơn vị (với trên 670.000 lao động) nợ BHXH, BHYT, tương đương 18% tổng số đơn vị tham gia; tổng số tiền nợ là trên 11.500 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch thu. Đáng chú ý, trong số này có trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động; gần 7000 đơn vị đã ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH, BHYT của hơn 3000 lao động. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 5/16 triệu lao động không được doanh nghiệp đóng BHXH dù thuộc diện tham gia bắt buộc. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy hiện có khoảng 50% doanh nghiệp trốn đóng BHXH, tương đương 150.000 doanh nghiệp. Cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt đốc thu, giảm nợ đọng. Cụ thể, từ năm 2007-2012 đã kiểm tra trên 41.000 đơn vị, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 41,2%. Công tác khởi kiện doanh nghiệp được đẩy mạnh; giai đoạn 2010-2013 đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT ra toà, tổng số nợ của doanh nghiệp này là 1.788 tỷ đồng, đã thu được 736 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên công tác thu nợ BHXH, BHYT chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân được nêu rõ: chế tài xử phạt doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe, lãi suất phạt chậm đóng BHXH, BHYT thấp; BHXH Việt Nam không được giao chức năng thanh tra doanh nghiệp nợ đọng; công tác thi hành án, xử phạt doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, đưa ra con số dự báo: đến năm 2015, tổng lực lượng lao động sẽ đạt gần 55,9 triệu; đạt 60 triệu vào năm 2020, đạt 65,4 triệu vào năm 2050. Người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc sẽ tăng từ 16,3 triệu hiện nay lên trên 38,3 triệu vào năm 2050. Như vậy, công tác thu BHXH, BHYT sẽ đứng trước nhiều áp lực, số thu sẽ liên tục tăng. Nếu không có biện pháp nâng cao hiệu quả thu, sẽ rất khó đảm bảo thực hiện các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động, về dài hạn sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của Quỹ BHXH, BHYT, tác động tiêu cực tới an sinh xã hội. Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế nêu ý kiến, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, việc đẩy mạnh thực hiện công tác thu đóng vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp tham gia BHYT chỉ đạt 54,7%; mở rộng bao phủ BHYT với nhóm này cũng như với 30% dân số còn lại sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó công tác thu sẽ là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đã chia sẻ một số biện pháp hướng tới tăng cường hiệu quả công tác thu BHXH, BHYT. Đa số các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng chế tài xử phạt, giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động cũng như sự chủ động tham gia của người dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề xuất bổ sung vào Luật Hình sự (sửa đổi) tội trốn đóng và tội chiếm dụng BHXH, BHYT; tăng cường trách nhiệm của các Sở, ban ngành tại các địa phương trao đổi thông tin về số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện đóng BHXH, BHYT bắt buộc…
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Giám đốc Cơ quan Bảo đảm xã hội và Y tế quốc tế Pháp Jean - Yves Hocquet đưa ra khuyến nghị: cần phải đổi mới trong quy trình quản lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thu thập dữ liệu người tham gia, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ quá trình đóng, thụ hưởng. Sự chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, chính quyền quản lý tại các địa phương cũng cần tăng cường. Đại diện nhóm nghiên cứu về An sinh xã hội của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra khuyến nghị, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT.
Về quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật BHXH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi thông tin nhanh về một số nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Luật. Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi khẳng định, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây đều được xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; công tác thu vì vậy chắc chắn phải được tăng cường. Luật BHXH sửa đổi dự kiến sẽ quy định giao chức năng thanh tra thu BHXH, BHYT cho BHXH Việt Nam; quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT. Về hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động từ phía doanh nghiệp, Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu, đưa vào nội dung sửa đổi Luật Hình sự trong thời gian tới. Những quy định mới này nếu được thực thi chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả thu BHXH, BHYT một cách mạnh mẽ.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định chính sách BHXH, BHYT là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Với những kết quả đã đạt được, có thể thấy BHXH, BHYT đã và đang đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực với người dân, là trụ cột quan trọng của An sinh xã hội quốc gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế; trong đó công tác thu BHXH, BHYT đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động. Những ý kiến phát biểu tại hội thảo đã phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra nhiều đề xuất, góp ý thiết thực. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện, tăng cường hiệu quả công tác thu BHXH, BHYT; chỉ đạo các Bộ, ngành, các cơ quan tăng cường phối hợp trong công tác thu nói riêng và thực hiện BHXH, BHYT nói chung. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp có một phần nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn của nền kinh tế; Chính phủ sẽ nỗ lực, tăng cường các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; qua đó, sự chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục đề xuất kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Luật BHXH theo hướng khoa học, tích cực hơn, sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Đánh giá cao tính khoa học, thực tiễn của các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là BHXH Việt Nam nên xem xét, nghiên cứu đưa vào ứng dụng, tiếp tục phát huy những kết quả trong thực hiện BHXH, BHYT. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức thành viên cam kết sẽ tham gia tích cực hơn trong thực hiện BHXH, BHYT nói chung, thu BHXH, BHYT nói riêng. Sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…chắc chắn được tăng cường trên nhiều nội dung. Ở kỳ họp Quốc hội tới đây, Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phát huy vai trò, góp ý, sửa đổi các nội dung của Luật BHXH, tạo cơ sở vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện, sớm đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị; bảo đảm An sinh xã hội cho người lao động hiệu quả hơn./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT