Hội thảo về chức năng, nhiệm vụ của Ngành BHXH
06/05/2014 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 05/05/2014, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo về chức năng, nhiệm vụ của Ngành BHXH. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cùng đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Khó khăn trong xử phạt trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH, như vậy có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Thống kê của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 05 triệu người chưa tham gia, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 tỷ đồng/năm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 02 hợp đồng với người lao động ở mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH. Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng/tháng nhưng thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng/người. Như vậy, với khoản chênh lệch 01 triệu đồng thì số thu BHXH, BHYT tương ứng khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tình trạng nợ BHXH, BHYT xảy ra tại hầu hết các địa phương, tính đến cuối năm 2013, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Tình đến hết tháng 03/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 11 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ BHXH.
Hiện nay, toàn Ngành BHXH có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu nộp BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp ít nhất 01 năm/01 lần. Công tác kiểm tra của tổ chức BHXH ngày càng được tăng cường, từng bước đi vào nề nếp và trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý. Trong khi đó, toàn Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội có khoảng 500 thanh tra viên thực hiện chức năng thanh tra nhiều lĩnh vực, thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Mặc dù, hàng năm đều phối hợp với Ngành BHXH để thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, song số doanh nghiệp được thanh tra rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.
Trong những năm qua cơ quan BHXH các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả không cao. Đặc biệt, khi nhận được kiến nghị xử phạt của BHXH Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý ngay được do còn nghiên cứu, xác minh lại. Đến nay, cơ quan BHXH đã đề nghị xử phạt hành chính khoảng 6.000 đơn vị và có khoảng 900 đơn vị bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về BHXH, BHYT, đạt tỷ lệ khoảng 15%.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung thêm Khoản 02, Điều 12 Dự thảo Luật BHXH “Tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành thực hiện thanh tra về việc đóng, hưởng BHXH” và sửa Khoản 03, Điều 21 Dự thảo Luật BHXH “Cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm Pháp luật về BHXH”…
Sự cần thiết giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam
Đánh giá về mô hình tổ chức BHXH Việt Nam, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phân tích: theo quy định của Luật BHXH hiện hành, tổ chức BHXH có chức năng thực hiện chế độ chính sách BHXH quản lý và sử dụng các quỹ BHXH như thực hiện thu, quản lý tiền của người lao động, người sử dụng lao động đóng vào quỹ BHXH, giải quyết chi trả các chế độ cho người lao động (số thu BHXH hàng năm tương đương 1/4 ngân sách nhà nước). Bên cạnh đó, tại Điều 07 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có 07 nội dung quản lý nhà nước về BHXH thì BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ 05 nội dung. Cùng với đó, tại Điều 01 Nghị định số 05/2014/NĐ-CP quy định BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ theo quy định của pháp luật… Do vậy, tổ chức BHXH vừa có hoạt động dịch vụ công đặc biệt vừa có chức năng quản lý đầu tư tài chính và vừa có hoạt động một số phần việc của quản lý nhà nước. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị thêm Khoản 02 Điều 08 “Bộ, Tổ chức BHXH cơ quan chuyên ngành được Chính phủ giao một số chức năng quản lý để thực hiện chính sách BHXH cho người lao động”. Ngoài ra, sửa đổi Khoản 01 Điều 93 Dự thảo Luật BHXH theo hướng “Tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH theo quy định của pháp luật”.
Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Thị Thúy Nga, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều tổ chức BHXH trên thế giới có chức năng thanh tra. Bên cạnh đó, thực trạng đội ngũ Thanh tra Lao động mỏng, thực hiện thanh tra tất cả các lĩnh vực, nên những đề xuất của cơ quan BHXH mới xử lý được 05%. Trong khi đó, thực tế BHXH Việt Nam không phải là đơn vị sự nghiệp, song cũng chưa phải cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ngày một gia tăng. Từ thực tế đó, Ủy ban Thường Vụ quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rất mong muốn BHXH Việt Nam được giao quyền chức năng thanh tra xử phạt.
Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Đỗ Thị Thúy Hằng cho rằng, nguồn thu BHXH chiếm 1/4 ngân sách nhà nước, đặc biệt thu BHXH của BHXH Việt Nam thực tế cũng là một sắc thuế. Do vậy nên chăng Luật BHXH (sửa đổi) quy định BHXH Việt Nam có chức năng quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Vấn đề bức xúc hiện nay là số tiền nợ đọng BHXH đã lên đến 11.000 tỷ đồng và làm sao để hạn chế tình trạng nợ đọng. Chính vì vậy, với kinh nghiệp quốc tế, dù ghi tên BHXH khác nhau nhưng các cơ quan đều được trao quyền thanh tra xử phạt. Do vậy, vấn đề hiện nay tất cả các ngành đều chung tay để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để BHXH Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, nhưng phải phù hợp với pháp luật nước ta và giải quyết được vấn đề thực tiễn. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lập luận: vấn đề hiện này nếu quy định BHXH Việt Nam là tổ chức sự nghiệp thì không có chức năng quản lý nhà nước nên không có chức năng thanh tra. Còn giao BHXH Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thu, chi BHXH thì lại không công bằng. Vì vậy, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề xuất: trong Khoản 03 Điều 21 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sửa lại thành: Cơ quan BHXH có quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về thu nộp BHXH và Khoản 01 Điều 93 Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng “Tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH theo quy định của pháp luật”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh giá cao và tiếp thu những ý kiến đóng góp các đại biểu, nhất là ý kiến của Bộ Nội vụ. Đồng thời Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị các Bộ, ngành có ý kiến để Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH và trao quyền thanh kiểm tra cho cơ quan BHXH nhưng không trái quy định của pháp luật hiện hành./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT