Hướng dẫn thực hiện trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu
05/11/2013 02:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, sau khi trao đổi về nghiệp vụ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4281/BHXH-CSXH ngày 29/10/2013 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu.
Đảm bảo việc thực hiện trợ cấp cho nhà giáo nghỉ hưu được kịp thời (Ảnh minh họa)
Theo đó, chế độ trợ cấp đối với nhà giáo nghỉ hưu đã trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập được hưởng chế độ trợ cấp như sau:
Mức trợ cấp một lần
Mức trợ cấp một lần = Lương hưu tháng 10/2013 x 10% x Số năm được tính trợ cấp
Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục công lập quy định tại Điều 2 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg đã được tính hưởng chế độ hưu trí (nếu không liên tục thì được cộng dồn); thời gian tính hưởng trợ cấp nếu có tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng thì tính bằng 1/2 năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính bằng 1 năm).
- Trường hợp đã từ trần từ ngày 01/01/2012 đến trước ngày 15/10/2013 (ngày Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg có hiệu lực) mà đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg nhưng chưa được giải quyết thì tính điều chỉnh mức lương hưu đến tháng 10/2013 để làm căn cứ tính trợ cấp.
- Trường hợp từ trần kể từ ngày 15/10/2013 trở đi mà đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg nhưng chưa được giải quyết thì lấy mức lương hưu tháng 10/2013 để làm căn cứ tính trợ cấp.
- Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định mà từ ngày 01/01/2012 trở đi được hưởng lại lương hưu nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg thì lấy mức lương hưu tháng 10/2013 để làm căn cứ tính trợ cấp.
Hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp
Đối với nhà giáo đang hưởng lương hưu, hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp theo Mẫu số 01-QĐ52 ban hành kèm theo văn bản này (01 bản chính);
- Bản chụp Quyết định hưởng chế độ hưu trí của người hưởng trợ cấp quy định tại Điều 2 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.
Đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được giải quyết, đã chết từ ngày 01/01/2012 trở đi, hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp của thân nhân theo Mẫu số 02-QĐ52 ban hành kèm theo văn bản này (01 bản chính);
- Bản chụp Quyết định hưởng chế độ hưu trí của người hưởng trợ cấp quy định tại Điều 2 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg;
- Bản sao (01 bản) Giấy chứng tử hoặc Giấy báo tử hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết.
Trách nhiệm trong việc giải quyết hưởng trợ cấp
Đối với nhà giáo đang hưởng lương hưu và thân nhân nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được giải quyết, đã chết từ ngày 01/01/2012 trở đi
- Lập hồ sơ theo quy định tại Điểm 3.1 hoặc Điểm 3.2, Khoản 3 nêu trên nộp cho BHXH quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là BHXH huyện) nơi đang hưởng lương hưu;
- Căn cứ thời điểm ghi trên giấy hẹn của cơ quan BHXH để đến nhận Quyết định hưởng trợ cấp và tiền trợ cấp.
Trách nhiệm của cơ quan BHXH
Trách nhiệm của BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là BHXH tỉnh):
- Chỉ đạo BHXH huyện hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ từ nhà giáo đang hưởng lương hưu hoặc thân nhân nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo hướng dẫn tại văn bản này chuyển BHXH tỉnh giải quyết theo quy định (viết Phiếu nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả);
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền;
- Tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp do BHXH huyện chuyển đến, căn cứ hồ sơ hưu trí do BHXH tỉnh đang quản lý để lập Bảng tổng hợp thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập theo đúng quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg và hướng dẫn tại văn bản này (Mẫu số 03-QĐ52) và ban hành Quyết định hưởng trợ cấp (Mẫu số 04-QĐ52 - 03 bản, trong đó 01 bản lưu cùng hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp, 01 bản chuyển cho BHXH huyện thực hiện chi trả, 01 bản giao cho người hưởng trợ cấp); lập Danh sách giải quyết hưởng trợ cấp (Mẫu số 05-QĐ52 - 02 bản, trong đó 01 bản chuyển cho Phòng Kế hoạch Tài chính để cấp kinh phí cho BHXH huyện, 01 bản chuyển cho BHXH huyện để thực hiện chi trả);
- Ghi bổ sung đối tượng hưởng “Trợ cấp QĐ52” thành một loại đối tượng riêng để bổ sung vào mẫu báo cáo tổng hợp đối tượng và kinh phí hưởng BHXH (Mẫu 20-HSB) tại Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của BHXH Việt Nam trong Phần A, Mục II - Trợ cấp một lần, ghi thêm Điểm 11 gồm 02 dòng “Trợ cấp QĐ52” và “Nguồn ngân sách” (sau trợ cấp khu vực);
- Thực hiện việc quản lý lưu trữ hồ sơ theo quy định như đối với đối tượng hưởng các chế độ trợ cấp một lần khác.
Trách nhiệm của Trung tâm Thông tin, BHXH Việt Nam: Căn cứ quy định của chính sách và hướng dẫn tại văn bản này, xây dựng và triển khai, hướng dẫn thực hiện chương trình phần mềm liên quan đến giải quyết hưởng trợ cấp theo quy định của Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg để BHXH tỉnh thực hiện.
Trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc BHXH Việt Nam: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, thực hiện các nội dung liên quan quy định tại văn bản này./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT