Hoàn thiện pháp luật BHXH là tuân thủ mục tiêu An sinh xã hội toàn dân
11/06/2014 02:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm An sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật BHXH hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về An sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển đất nước; ngay trong những ngày đầu kỳ họp thứ 07, Quốc hội khóa XIII đã dành thời gian thảo luận Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chuẩn bị cho việc thông qua vào cuối năm 2014. Bên lề kỳ họp, phóng viên Tạp chí BHXH đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa Tiến sĩ, là người có nhiều năm gắn bó với công tác BHXH và trực tiếp tham gia giám sát quá trình tổ chức thực hiện Luật BHXH hiện hành, cũng như thẩm tra Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), xin Tiến sĩ cho biết những nguyên tắc và mục tiêu được đặt ra khi tiến hành sửa đổi Luật BHXH?
Trước hết, việc hoàn thiện pháp luật BHXH phải tuân thủ quan điểm nhất quán của Đảng: BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH. BHXH là một Quỹ tài chính, vì vậy cần phải tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH.
Qua 07 năm thi hành Luật BHXH cho thấy, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn những tồn tại, đó là: diện bao phủ của BHXH còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH ngắn; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH chưa giảm; chậm ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH; Quỹ BHXH ngắn hạn kết dư lớn; công tác đầu tư tăng trưởng quỹ chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác phối hợp, trách nhiệm của BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan còn hạn chế. Do vậy, việc sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đến 02 mục tiêu quan trọng là đảm bảo An sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, đồng thời, Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH và mức hưởng cao hơn của người lao động.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm An sinh xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/06/2012 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” và “Quyền được bảo đảm an sinh xã hội” được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 34. Là trụ cột của chính sách An sinh xã hội, việc phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi Luật BHXH đã có những quy định gì để đạt được mục tiêu và quy định này, thưa Tiến sĩ?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc.
Hiện nay, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp, do đó cần phải tạo điều kiện để nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng mức độ bao phủ, đa số các nước quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với tất cả những người lao động có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Hơn nữa, tháng 04 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27 quy định lao động giúp việc gia đình được chủ nhà trả tiền công bao gồm cả chi phí mua BHXH bắt buộc và BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm. Việc đưa nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quy định này, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động chính sách, đổi mới công tác quản lý và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện pháp luật.
Thứ hai, áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí như Dự thảo Luật để góp phần vào mục tiêu tăng diện bao phủ của BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc tách BHXH đối với lực lượng vũ trang và khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác vào thời điểm thích hợp để thúc đẩy quá trình cải cách chính sách BHXH, đảm bảo công bằng trong tham gia, thụ hưởng BHXH của người lao động thuộc các khu vực trong và ngoài nhà nước.
Thứ ba, bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Mặc dù Tờ trình của Chính phủ không quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn công tác giám sát, Ủy ban Về các Vấn đề xã hội thấy rằng, nên tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ/CP, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có khoảng 229.592 người (cấp xã loại 01 bố trí 22 người, cấp xã loại 02 bố trí 20 người và cấp xã loại 03 bố trí 19 người) với mức phụ cấp do NSNN hỗ trợ bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người, nếu NSNN hỗ trợ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung (1.150.000 đồng) theo quy định 14% thì mỗi năm NSNN phải chi khoảng 443,57 tỷ đồng, phần 8% do người lao động đóng góp.
Thứ tư, bổ sung công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp tham gia BHXH bắt buộc.
Việc bổ sung đối tượng này là phù hợp với quá trình phát triển thị trường lao động. Hiện nay, một số nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Philipines, Indonesia) đã có quy định hợp tác quốc tế về BHXH, một số nước như Đức, Canada, Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực BHXH nhằm tạo điều kiện cho người lao động 02 nước được tham gia BHXH khi sang làm việc ở nước kia.
Thứ năm, rất cần thiết thu hẹp việc giải quyết chế độ BHXH một lần cho một số nhóm lao động.
Từ năm 2007 đến năm 2013, số người hưởng chế độ BHXH một lần tăng nhanh và cao hơn 4,2 lần so với số người hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng (3.056.629 người / 717.404 người), kết quả này không đảm bảo để thực hiện mục tiêu An sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Do vậy, sửa đổi điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm hạn chế tối đa việc giải quyết chế độ này như Dự thảo Luật là cần thiết. Bên cạnh đó, bổ sung quy định giải quyết BHXH một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo là hợp lý, thể hiện tính nhân văn của chính sách.
Thứ sáu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu sức hấp dẫn đối với người lao động (mức đóng khá cao, phương thức đóng thiếu linh hoạt, không phù hợp với việc làm có thu nhập thấp và không ổn định của lao động thuộc khu vực không chính thức). Do vậy, Chính phủ cần phải có chính sách đột phá mạnh mẽ hơn để mở rộng sự tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm cơ sở để quy định mức thu nhập tối thiểu để làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện, đồng thời cũng nên bổ sung quy định về mức thu nhập tối đa mà người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn để đóng; cần quy định trong Luật nhóm đối tượng lao động cụ thể được Nhà nước hỗ trợ gắn với tiêu chí mức thu nhập tối thiểu và dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách này.
Thời gian qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí mà cụ thể là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu, vấn đề cân đối Quỹ BHXH, xin Tiến sĩ cho biết rõ hơn về nội dung này?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH của Ủy ban từ năm 2007 đến nay cho thấy, Quỹ hưu trí và tử tuất ngày càng có xu hướng mất cân đối, nếu như tỷ trọng số chi so với số thu năm 2007 chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là 71,2%. Theo dự báo, với các chính sách như hiện hành, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có số thu bằng số chi vào năm 2021, từ năm 2022 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích quỹ và đến năm 2034 thì số thu BHXH trong năm và số dư tồn tích quỹ không đảm bảo khả năng chi trả, nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối trong đóng - hưởng BHXH; mức đóng thấp, mức hưởng cao; thời gian đóng ngắn, thời gian hưởng dài. Ngoài ra, còn do việc chưa tuân thủ pháp luật (còn khoảng hơn 20% chưa tham gia BHXH bắt buộc), nợ đọng BHXH còn lớn, tại thời điểm này gần 12 ngàn tỷ đồng. Để tăng tính an sinh cho người lao động, các chính sách không chỉ hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng mà còn phải nâng mức lương hưu và đảm bảo khả năng an toàn, cân đối Quỹ BHXH. Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi đã đưa ra nhiều giải pháp, không chỉ đơn thuần là tăng tuổi nghỉ hưu và thay đổi cách tính mức hưởng lương hưu. Mặt khác, có thể khẳng định rằng khi thực hiện các quy định bổ sung, sửa đổi, lương hưu của người lao động sẽ không giảm. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc:
Dự thảo Luật quy định từ ngày Luật có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2018, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Như vậy, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết, góp phần tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH là cơ sở nâng mức hưởng lương hưu của người lao động. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay quy định này trong điều kiện hiện nay thì doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn, do đó, việc xây dựng lộ trình phù hợp sẽ đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Thứ hai, về điều kiện hưởng lương hưu:
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động tại Khoản 2 Điều 53, như vậy sau 15 năm lao động nữ mới về hưu ở tuổi 60 và sau 06 năm lao động nam mới về hưu ở tuổi 62. Tuy nhiên, theo tôi, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số (năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là hơn 09 triệu người, chiếm hơn 10% dân số; tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số). Hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Chính phủ cần hướng dẫn Điều 187 Bộ luật Lao động, sau đó tổng kết, đánh giá khi đủ điều kiện mở rộng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện sức khỏe và quá trình già hóa dân số.
Thứ ba, về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng:
Dự thảo Luật đã thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động là: từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.
Việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định tại Điều 55 nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành (thời gian đóng ít, mức đóng thấp; thời gian hưởng dài, mức hưởng cao hơn so với mức đóng), từng bước thực hiện nguyên tắc cân đối đóng - hưởng và bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng nhằm mục tiêu cân đối Quỹ bảo hiểm hưu trí. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hàng tháng thì phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu giữa các thời kỳ. Đồng thời, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc người lao động được bảo đảm hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu nhằm bảo đảm khả năng an sinh cho người lao động tham gia đóng BHXH giữa các thời kỳ khác nhau.
Thứ tư, về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần:
Dự thảo Luật quy định, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/07/2015) trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Quy định này nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các nhóm lao động làm việc trong và ngoài khu vực nhà nước tham gia BHXH, đảm bảo tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí trong dài hạn. Để không làm giảm mức hưởng lương hưu của người lao động thuộc khu vực công thì thời điểm áp dụng quy định này nên đồng bộ với việc thu tiền lương tháng đóng BHXH (dự kiến năm 2018).
Bên cạnh các quy định về chế độ chính sách, được biết Dự thảo Luật còn bổ sung thẩm quyền của tổ chức BHXH, Hội đồng quản lý BHXH và quy định về chi phí quản lý BHXH, xin Tiến sĩ cho biết sự cần thiết và tính khả thi của những điều luật bổ sung này?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn, cần phải có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và quyền lợi của người lao động. Với bộ máy thanh tra hiện có, ngành LĐ-TB&XH không đủ điều kiện về số lượng và chất lượng thanh tra viên để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Nhiều ý kiến đồng ý tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH Việt Nam trong việc thanh tra thực hiện pháp luật BHXH vì cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến An sinh xã hội, không xem BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đơn thuần như y tế, giáo dục... mà là một tổ chức tài chính, có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc tuân thủ pháp luật BHXH. Cá nhân tôi cũng đồng tình với quy định này.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về Hội đồng quản lý BHXH chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, BHTN, BHYT và tư vấn về các chính sách này. Tuy nhiên, thành phần Hội đồng cần đảm bảo cơ cấu đại diện 03 bên trong quan hệ lao động (đại diện người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước) và một số đại diện của các tầng lớp, thành phần xã hội khác tham gia quan hệ BHXH, BHYT, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và luân phiên.
Về chi phí quản lý BHXH, Quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ, nên giao cho Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với nhiệm vụ BHXH trong từng giai đoạn trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ BHXH. Dự thảo Luật cần quy định rõ tiêu chí, nội dung chi phí quản lý như: chi cho công tác tuyên truyền pháp luật và phát triển đối tượng; công tác quản lý và chi cho bộ máy làm công tác BHXH... Đồng thời, BHXH Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa công tác BHXH và cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo sử dụng chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người sử dụng lao động; bổ sung quy định về quyền của người lao động trong việc tự mình khởi kiện hoặc yêu cầu tổ chức Công đoàn khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động về BHXH bị xâm phạm; quy định về quyền của người lao động giữ, bảo quản sổ BHXH; quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức Công đoàn giám sát người sử dụng lao động đóng BHXH đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật...
Có thể thấy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã thể hiện được quan điểm, mục tiêu của Đảng và tư tưởng của Hiến pháp về quyền được bảo đảm ASXH của công dân.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT