Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Lâm Đồng.

05/12/2024 04:17 PM


Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu mọi người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội để khi về già sẽ có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế giúp ổn định cuộc sống.

Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, chính sách bảo hiểm xã hội là một chính sách quan trọng, là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Tại Lâm Đồng, theo Cục Thống kê Lâm Đồng (2019), trên địa bàn tỉnh có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen tại các địa bàn khác nhau trong tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72%, riêng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 19,24% dân số toàn tỉnh. Như vậy, đồng bào dân tộc gốc Tây nguyên chiếm gần 1/5 dân số toàn tỉnh. Tuy vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của đồng bào dân tộc gốc Tây nguyên rất hạn chế nên để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế và lương hưu hàng tháng khi về già đang được chính quyền các cấp và các cơ quan, ban ngành quan tâm.

Hiện nay, đồng bào dân tộc gốc Tây nguyên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện toàn tỉnh, một tỷ lệ tương đối khiêm tốn. Điều đáng mừng ở đây là tỷ lệ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng qua từng năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ số người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn rất thấp, cần được nhìn nhận đúng về thực trạng và đưa ra giải pháp phủ hợp để triển khai thúc đẩy nâng tỷ lệ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên.

Vẫn biết, điều kiện kinh tế của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, khả năng tiếp cận thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế do các tài liệu về chính sách thường trình bày bằng tiếng Việt nên những người không biết tiếng Việt chưa tiếp cận được; mặt khác, trên địa bàn tỉnh, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên truyền thông chính sách BHXH ở cơ sở là người DTTS gốc Tây Nguyên để bám sát địa bàn, hỗ trợ, tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với phong tục tập quán, ngôn ngữ của người dân trong vùng nhưng nếu có kịch bản và giải pháp phù hợp, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là rất khả thi và có triển vọng.

 

Trần Sơn