Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2015

24/02/2016 03:11 AM


Sáng 24/02, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, Ban, Ngành liên quan về dự thảo Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2015. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, cùng đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an,…

UBCVDXH 24022016.JPG

Thông tin tổng quan về dự thảo Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2015, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, năm 2015, sau khi Luật BHXH năm 2014 được Quốc hội thông qua, các Bộ, Ngành liên quan đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và đề xuất ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện chính sách BHXH. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, các Bộ, Ngành đã ban hành 03 Thông tư; và dự diến trong quý I/2016, Chính phủ sẽ ban hành 03 Nghị định (quy định về BH hưu trí bổ sung; quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của cơ quan BHXH) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH.

Về công tác tuyên truyền, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH với nhiều hình thức, nội dung phong phú, cùng việc chủ động cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông; đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của Luật BHXH năm 2014 được các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, đã góp phần quan trọng giúp NLĐ, người sử dụng lao động và xã hội hiểu đúng, đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội trong việc thực hiện, triển khai Luật BHXH.

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, với việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong năm 2015, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục tăng, theo đó, số thu BHXH từ đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động cũng tăng lên; bên cạnh đó, với nhiều giải pháp chủ động, tích cực, tình hình nợ đóng, chậm đóng BHXH đã giảm 1,04% so với năm 2014. Nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu về phát triển đối tượng tới tận cấp quận, huyện, thị xã, qua đó công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH được chú trọng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng còn thấp, và để đáp ứng được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia theo tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn nữa của các cơ quan liên quan.

Về công tác giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ đã được cơ quan BHXH thực hiện với nhiều tiến bộ, đảm bảo đúng chính sách, với thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người hưởng. Trong năm 2015, số chi từ quỹ BHXH bắt buộc ước thực hiện 100.891 tỷ đồng, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời và an toàn cho gần 03 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và chi trả cho trên 08 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần.

Hoạt động đầu tư quỹ được thực hiện theo đúng phương án đầu tư được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua, đảm bảo an toàn, chặt chẽ và theo đúng quy định của pháp luật. Về nội dung này, đa phần ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc đều cho rằng, hoạt động đầu tư quỹ BHXH đã đảm bảo tính an toàn, nhưng bên cạnh đó cần có các giải pháp để hoạt động này đạt hiệu quả hơn nữa.

Công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện, giảm thiểu các biểu mẫu, các chỉ tiêu trong các biểu mẫu của hồ sơ, tờ khai nhằm cắt giảm thời gian NLĐ, DN phải tiếp xúc với cơ quan BHXH; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, thực hiện giao dịch điện tử trong thủ tục tham gia, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Kết quả, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, số thủ tục hành chính liên quan tới BHXH đã giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục, thời gian thực hiện giao dịch BHXH giữa các đơn vị, DN với cơ quan BHXH giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 81 giờ/năm.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện và đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm, và yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành liên quan giải đáp và bổ sung, cụ thể hóa các thông tin cũng như các giải pháp liên quan tới các nội dung như: đẩy mạnh tiến độ ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện Luật BHXH; tình hình quản lý các đơn vị sử dụng lao động, góp phần giảm nợ đọng BHXH, hạn chế tối đa việc xâm phạm quyền lợi an sinh cơ bản của NLĐ; tình hình khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH với số tiền lớn, và thời gian kéo dài; việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan nhằm tạo hiệu quả tối đa trong việc quản lý và thực hiện chính sách BHXH;…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH tập hợp ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trong đó tập trung phân tích và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi yêu cầu bổ sung các kiến nghị, cụ thể: Đối với Quốc hội, chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát hiệu quả việc thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương; Với Chính phủ, đề nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án trình Quốc hội bố trí ngân sách hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện…; Với Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện vấn đề tiền lương, lao động, nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý BH thất nghiệp,…; Với Bộ Tài chính, phải bảo đảm thực hiện hiệu quả và thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành về sử dụng và quản lý quỹ BHXH; Với BHXH Việt Nam, phải đẩy mạnh cải cách phương thức, nội dung tuyên truyền, tuyên truyền phải gắn với việc phát triển đối tượng tham gia, sớm hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách BHXH, xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ; Với chính quyền các địa phương, phải xây dựng và ban hành chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH với các giải pháp thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sớm chuẩn bị và hoàn thiện việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng, chiếm đóng BHXH với số tiền lớn và thời gian kéo dài, và tăng cường vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ…

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn