Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về ASXH

28/12/2015 06:56 AM


Ngày 25/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội của Ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2011-2015.

PTT Đam du HN Bo LĐ 281215.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền và các Thứ trưởng dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Nguồn Molisa.gov.vn

Kết quả đáng ghi nhận

Để thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011- 2015, trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Ban chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, góp phần quan trọng trong chuyển đổi nhận thức toàn xã hội về các chính sách lao động và an sinh xã hội.

Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, trong nhiệm kỳ, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, trình Quốc hội sửa đổi 02 luật là: Bộ luật Lao động, Luật BHXH; ban hành mới 03 luật là: Luật Việc làm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; trình Ủy ban Thường vụ của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trình Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết và 61 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 62 Quyết định và 04 Chỉ thị; ban hành và phối hợp ban hành 229 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách.

Nhờ nỗ lực trong hoàn thiện các văn bản pháp luật cũng như sự cố gắng của toàn Ngành trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện tốt chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp và tăng cường an toàn vệ sinh lao động:

Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,2 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/ tháng của NLĐ năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Nhờ đó, quan hệ lao động trong giai đoạn 2011-2015 cũng được cải thiện, số vụ đình công trên cả nước tính đến hết tháng 10/2015 giảm xuống còn ¼ so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.

Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng hưởng và mở rộng đối tượng tham gia. Tính đến nay, cả nước có trên 12 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm 23,1% lực lượng lao động, tăng thêm 2,4 triệu người so với năm 2010. Cả nước cũng có khoảng 10 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với năm 2010, trong đó đã có gần 2,1 triệu lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm mới là trên 1,7 triệu người.

Lần đầu tiên, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Bộ trình Quốc hội thông qua với các quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động, chế độ bảo hiểm đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... sẽ góp phần tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới.

Giải quyết việc làm trong nước được chú trọng, thị trường lao động ngày càng phát triển, lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh với chất lượng đưa đi ngày càng cao, thị trường được mở rộng: nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40-41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đối với việc làm ngoài nước, Việt Nam tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Hiện có trên 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD. Lao động Việt Nam đã đi được ở những lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu, chất lượng cao hơn như y tá, điều dưỡng đi làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức…

Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực đất nước: thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, đồng thời chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Kết quả, dạy nghề trong 5 năm đạt trên 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70% chứng tỏ dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tiếp tục thể hiện quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị, năm 2015, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều làm cơ sở để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, qua đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.

Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp: Nhờ đổi mới chính sách trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận về quyền của đối tượng, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180 lên 270 ngàn đồng; hệ thống cơ sở mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch  với trên 400 cơ sở. Kinh phí trợ giúp xã hội được huy động ngày càng đa dạng, theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng. Trong 5 năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010. Ngân sách trung ương chi trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng tăng nhanh, năm 2015 là trên 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010.

Trong trợ giúp đột xuất, Chính phủ cũng đã hỗ trợ lương thực cứu đói cho gần 2,5 triệu lượt hộ cùng khoảng 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

“Không thể là nỗ lực riêng lẻ…”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động hiện nay như: năng suất lao động, trình độ đào tạo, tình trạng sinh viên thất nghiệp... không thể là nỗ lực riêng lẻ của từng bộ, ngành hay của riêng ngành LĐ-TB&XH.

Từ câu chuyện nâng cao năng suất lao động, ngoài những việc phải làm như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường đào tạo, đầu tư công nghệ… Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cùng với các Bộ, ngành, địa phương, Ngành LĐ-TB&XH phải làm hết sức để môi trường đầu tư, kinh doanh được thông thoáng cho DN.

“Muốn tăng năng suất, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ nhưng trước hết phải phát triển được DN. Bởi Việt Nam còn 40% lao động nông nghiệp trong khi ở những nước phát triển con số này chỉ dưới 10%, nếu chúng ta chuyển 30% lao động nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, làm dịch vụ, phát triển công nghiệp thì chưa nói đến đổi mới công nghệ hay đào tạo nghề, năng suất cũng sẽ lên... Đây là việc của cả nước, và rất cần mỗi Bộ, Ngành, địa phương đều làm hết sức để môi trường đầu tư thông thoáng nhất”, Phó Thủ tướng phân tích.

Trách nhiệm trực tiếp của Ngành LĐ-TB&XH là xây dựng, thực thi hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, làm tốt công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường lao động phát triển. Cụ thể, cần rà soát toàn bộ hệ thống dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước, các đoàn thể cũng như tại các địa phương, từ đó có đánh giá, chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động thông qua DN.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung đổi mới thực chất để hoạt động này phải thiết thực.

Về công tác người có công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương cùng Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương giải quyết chế độ, chính sách cho những người có công chưa được hưởng qua đợt tổng rà soát vừa qua.

Đánh giá về hoạt động trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn... Phó Thủ tướng cho rằng ngành LĐ-TB&XH đã đạt được cơ sở tích cực ban đầu khi chuyển từ chính sách hỗ trợ mang tính từ thiện, nhân đạo coi đây là những chủ thể thực hiện các chính sách an sinh, xã hội. Ngay trong thực hiện chính sách đối với một số đối tượng đặc biệt như nghiện ma túy, mại dâm… cũng có chuyển biến khi cai nghiện từ bắt buộc chuyển sang tự nguyện, từ tập trung chuyển dần sang cai nghiện tại cộng đồng.

Liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét đã có sự chuyển biến về nhận thức cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều cùng những chính sách và chỉ đạo bên dưới theo tinh thần khuyến khích người nghèo tự vươn lên, tuy nhiên, thay đổi thực sự còn chậm.

Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông cùng với các bộ ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thay đổi thói quen trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội như BHXH, BHYT… từ đó xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt, đảm bảo vững chắc, lâu dài./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn